Kể từ ngày tốt nghiệp trường quân y đến nay đã sáu năm rồi, Văn toàn ở đảo. Vẫn nghỉ phép năm nhưng chưa bao giờ Văn được nghỉ trùng với Tết.
Kể từ ngày tốt nghiệp trường quân y đến nay đã sáu năm rồi, Văn toàn ở đảo. Vẫn nghỉ phép năm nhưng chưa bao giờ Văn được nghỉ trùng với Tết. Thế mà ngày hai tám Tết bỗng nhiên Văn được chính trị viên đảo gọi lên thưởng phép. Không phải nghỉ phép, đi tranh thủ thôi. Năm ngày cả thảy. Nghĩa là Văn chỉ có hơn một ngày ở nhà, nếu xe cộ thuận lợi. Ai cũng nói ngày Tết cổ truyền thì tất tật đều được nghỉ. Hòa bình chứ có phải như hồi chiến tranh đâu. "Càng những ngày lễ, Tết, lực lượng vũ trang càng phải nâng cao cảnh giác với tinh thần cao nhất", năm nào chính trị viên cũng nhắc như thế. Nghỉ phép ngày thường đã khó, ngày Tết càng khó hơn. Phải bảo đảm quân số trực chiến. Ngày Tết ngoài đảo đủ đầy lắm. Bánh chưng, giò xào, có rượu, có hoa... Toàn của đất liền gửi tặng. Vài năm gần đây có điện, có truyền hình, sóng điện thoại, tha hồ trò chuyện với gia đình, bè bạn. Đêm giao thừa lính đảo tổ chức "hái hoa dân chủ" vui không để đâu cho hết. Cánh lính trẻ lần đầu ra đảo nô đùa tưởng rất vô tư, không lo lắng gì. Ấy vậy mà khi chui vào màn lại khóc rưng rức vì nhớ thầy, nhớ u. Được cái sáng hôm sau mặt mũi đứa nào cũng tươi hơn hớn, ôm nhau nhảy tâng tâng, hét lên: "Chúc mừng năm mới".
Những gợi nhớ về ngày Tết cứ cồn lên trong lòng Văn. Nhớ nhất lúc mấy anh em vây quanh bố ngồi gói bánh chưng. Lá dong xanh mướt. Cái lạt giang trắng ngà. Cuối cùng thế nào cũng được bố gói cho mỗi đứa một cái bánh nhỏ, thật xinh. Trưa ba mươi, một cái bếp được đặt giữa sân. Những cây củi gộc chụm đầu. Lửa nhóm lên, thoáng chốc đã rừng rực. Hơi lửa tỏa lan. Nồi bánh sôi sình sịch. Đã nghe mùi thơm của lá dong, của gạo nếp. Vầng lửa lung linh dập dờn. Đêm trừ tịch mà quang đãng với tất cả vẻ linh thiêng và trầm mặc.
Mọi chuyện thuận lợi, dễ dàng như dự tính. Chiều nay anh sẽ có mặt tại gia đình. Bố mẹ và các em sẽ vui mừng hết cỡ. Văn lơ đãng nhìn sang hai bên đường. Mọi người đang tấp nập đi sắm Tết. Những cành đào dầy đặc hoa, e ấp. Những chậu quất chở sau xe máy lúc lỉu quả. Lộc non nhú trên tán bàng trụi lá. Nhà nhà đang rối rít dọn dẹp phòng ốc, chăm chút ban thờ gia tiên. Rộn ràng và cập rập. Thoảng mùi hương trầm. Mùa xuân lấp ló đâu đây trong trời đất. Chợt Văn giật mình vì tiếng thét thất thanh phía đầu xe. Tiếp theo là những tiếng nói hoảng loạn lao xao. Văn không nghe rõ tiếng nào cụ thể. Mọi người tranh nhau nói. Chiếc xe chậm dần rồi dừng hẳn sát mép đường. Tiếng người lái xe rõ ràng mạch lạc: "Bình tĩnh, bình tĩnh. Mọi việc đâu khắc đó". Một giọng đàn bà gắt gỏng: "Ông có đẻ đâu mà bình tĩnh với chả cuống quýt". Người lái xe như không thèm chấp. Anh quay xuống: "Có một cô gái đang đau đẻ. Ai biết đỡ, giúp cho một tay?". Toàn xe im phăng phắc. Văn còn đang ngỡ ngàng thì một bà ngồi cạnh nói to: "May quá. Anh bộ đội này ở quân y, chắc chắn biết đỡ đẻ". Cái phù hiệu trên ve áo vô tình đã tố cáo Văn. Đúng là anh ở quân y thật, nhưng anh chỉ là y sĩ, chưa bao giờ đỡ đẻ. Nói vậy chứ đôi lúc Văn tự hờn trách số phận đã đưa đẩy anh vào ngành y. Một cái đẩy nhẹ vào vai Văn: "Ông lên đi. Khẩn trương lên". Mọi người nhường lối. Cô gái chừng ngoài 20 tuổi, khá xinh, người yếu lả, da nhợt nhạt, mắt dại vẻ đau đớn, mái tóc xổ tung rối bời, hơi thở hổn hển. Trên sàn xe phía dưới ghế, ướt sũng. "Vỡ ối". Văn thầm nhận định. Bệnh nghề nghiệp trong Văn bùng lên. Nó đòi hỏi anh phải làm người có trách nhiệm. Văn hơi lúng túng. Văn nhờ khiêng cô gái xuống xe. Tấm ni lông được trải ra trên nền đất, và nhanh chóng biến thành "phòng đỡ đẻ". Những người đàn bà lắm điều nhiều lời là thế mà giờ đây đều im lặng, nín thở. Nét mặt đầy lo âu căng thẳng. Những người đàn ông ngồi lì trên xe thì thầm về những tai nạn thương tâm thường xảy ra khi sinh nở. Tuy vậy tai họ luôn hướng về cái "phòng đẻ" đón chờ tiếng khóc chào đời. Không có gì hết. "Sao lâu thế?", một người đàn bà hỏi. "Tim thai tốt, mạch sản phụ hơi yếu. Dạ. Ngôi thai ngược. Cần đưa gấp đến bệnh viện. Phải mổ mới cứu được". Chiếc xe lại ào đi, còi xin đường gấp gáp. Vừa như van xin vừa như cầu cứu.
"Anh là gì của sản phụ?". Bác sĩ trực phòng cấp cứu hỏi Văn bằng cái giọng lành lạnh. Cũng phải thôi. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giao thừa. Ai chẳng muốn giờ này ngồi bên gia đình đón giờ khắc thiêng liêng của đất trời. Tâm lý đôi khi lấn át lý trí. Văn nhìn chị bác sĩ, hỏi lại: "Có cần thiết không?". "Ô hay, anh chàng bộ đội này cứ như từ trên trời rơi xuống. Đây là thủ tục bắt buộc. Lần đầu đưa vợ đi đẻ hả?". Đến nước này Văn phải đáp: "Vâng. Tôi là chồng". Chị bác sĩ hỏi tiếp: "Sao bây giờ mới đưa đi?". Không còn thời gian để giải thích cho chị bác sĩ nhiều chuyện này. Văn cúi xuống điền rất nhanh tên tuổi, nơi ở của sản phụ. Rất may, trên đường đi Văn đã kịp xem giấy tờ tùy thân của cô gái. Cô tên Liên, Nguyễn Thị Liên, quê Bắc Cạn, vào Nam làm việc. Văn cũng không quên ghi tên tuổi, đơn vị mình vào phần bệnh viện dành cho người nhà. "Viện phí". Chị bác sĩ nói trống không. "Vâng ạ". Chờ Văn nộp tiền xong, chị bác sĩ hỏi tiếp: "Đồ thay của sản phụ đâu?". Lần này thì Văn lúng túng thật sự. "Trời ơi là trời. Đưa vợ đi đẻ mà chẳng mang theo thứ gì. Thôi, ra ngoài ngồi chờ. Đừng có đi đâu đấy".
Lúc này Văn mới có thời gian chạy ra phố mua vội mấy thứ đồ cần thiết cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Xong xuôi, Văn trở lại hành lang bệnh viện ngồi chờ theo lời nhắc của chị bác sĩ khó tính. Trong đầu Văn bật ra câu hỏi. "Chồng Liên đâu mà để cô đi một mình khi bụng mang dạ chửa? Ờ, biết đâu chồng Liên cũng là một quân nhân, giờ này đang canh giữ đất trời cho nhân dân yên vui đón Tết". Cô về quê ăn Tết. Cái Tết sum họp đoàn viên đối với người Việt quan trọng lắm, thiêng liêng lắm. Dù đi đâu làm gì, đến Tết vẫn phải về. Về thắp nén nhang thơm lên bàn thờ gia tiên sau một thời gian biền biệt. Cuộc sống thật lạ. Đôi khi cái lạ ấy mang lại cho người ta những điều bất ngờ. Cả phiền phức lẫn niềm vui. Chuyện vừa xảy ra cũng là điều bất ngờ. Văn chưa kịp suy nghĩ xem điều bất ngờ này là niềm vui hay phiền toái. Nhưng chắc chắn anh không tiếc nuối. Bất kỳ người lính nào gặp trường hợp ấy cũng đều xử sự như anh. Đã sang mồng một Tết. Gió bấc ngừng thổi. Thời tiết ấm hẳn. Bầu trời sáng dần. Sắc xuân trong xanh. Đêm như đang tình tự. Tiếng khóc vang và khỏe của đứa trẻ sơ sinh phá tan sự yên tĩnh vốn có của bệnh viện. Văn đứng bật dậy. Cửa phòng sản hé mở. Một nhân viên y tế bước ra. Văn hỏi ngay: "Trai hay gái?". "Một chú bộ đội. Chúc mừng. Vào đón con được rồi đấy". Nói theo chuyên môn thì ca mổ thành công. Mẹ tròn con vuông. Tất cả đều khỏe. Sáng mồng một, lãnh đạo bệnh viện xuống chúc Tết và mừng tuổi cho người bệnh. Ông giám đốc vui tính, hỏi: "Mười tám năm nữa đồng chí có cho cháu nhập ngũ không?". Văn cười thành tiếng. Cứ như anh là bố: "Có chứ, có chứ. Tôi sẽ cho nó đi bộ đội từ năm mười sáu tuổi".
Giờ đây căn phòng chỉ còn hai người và đứa trẻ. Nghe nói sau sinh mệt lắm. Dưới ánh sáng mùa xuân, khuôn mặt Liên xinh đẹp lạ thường, bờ mi khép, môi hé mở. Tự nhiên Văn thấy nóng bừng mặt. Chưa bao giờ anh ngắm nét mặt người khác giới kỹ như lúc này. Một cảm giác là lạ dâng lên trong lòng. Con tim đập mạnh và loạn nhịp. Văn không thể biết rằng Liên cũng đang trải qua những giây phút bão bùng. Chuyện cũ như cuốn phim quay chậm hiển hiện trong tâm trí cô.
Liên mồ côi cha mẹ từ năm mười ba tuổi. Không còn người thân thích. Tự thân vận động. Đất đồng rừng dễ sống. Học xong phổ thông, cô vào Nam làm việc. Gần hai năm trước, cô yêu một chàng kỹ sư chế tạo máy tên Khâm, cùng công ty. Tình yêu của họ đẹp như trăng rằm tháng tám. Mọi người đều khen trai tài gái sắc. Chuyện cưới xin chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng rồi bất hạnh chợt ập đến. Cha Khâm qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Ông ra đi tức tưởi, để lại tiếc thương cho vợ con, bè bạn cùng một khoản nợ lớn. Một người bạn hàng của ông sẵn sàng đứng ra thanh toán, với một điều kiện, Khâm phải làm con rể ông. Thực ra Khâm không chê gì con gái ông ta. Cũng đẹp cũng xinh. Và thầm yêu Khâm từ lâu. Một tình yêu đơn phương. Để tránh cho gia đình lâm vào tình cảnh phá sản, thậm chí không còn cả nhà ở, Khâm chấp nhận điều kiện ấy. Thì ra chuyện nàng Kiều bán thân chuộc cha là có thật. Dù yêu Khâm đến bao nhiêu thì Liên vẫn phải chấp nhận sự thật đắng cay này. Cô giận anh, thương anh, thương mình. Hẳn Khâm cũng chẳng sung sướng gì. Đường đi đến hạnh phúc sao nhiều gian nan và bất hạnh đến thế? Để mau chóng quên đi mối tình đau khổ, Liên xin chuyển sang tỉnh khác. Không ngờ số phận nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha. Khi Liên cố quên đi bóng hình Khâm thì giọt máu của anh cũng lớn dần trong bụng cô. Lo sợ và hoảng hốt. Chuyện chửa hoang tuy không còn đè nặng và gay gắt như xưa nữa, cái nhìn của thiên hạ đã thông thoáng nhiều, nhưng vẫn là điều tiếng mà phải nhiều năm sau mới rửa nổi. Người khuyên thế nọ, kẻ khuyên thế kia. Cuối cùng niềm khát khao được làm mẹ trong cô đã chiến thắng. Liên chấp nhận làm người mẹ đơn thân dù cô biết rằng rất nhiều khó khăn đang chờ đón cô ở phía trước. Với giọng nói run run, Liên kể cho Văn nghe.
Chỉ còn đủ thời gian để Văn trở lại đơn vị. Sớm mồng hai Tết, Văn ra xe. Liên tiễn anh ra tận cổng bệnh viện. Cô nhìn Văn đăm đắm. Văn lảng tránh cái nhìn đầy ma lực. Những giọt nước mắt của Liên gieo vào lòng Văn những bùi ngùi. Văn ngập ngừng nói lời từ biệt. Liên ngước lên. Mây trắng in trong mắt. Dịu hiền và sâu lắng. Bất ngờ Liên xoay người ôm chặt lấy Văn. Cô đứng úp người vào ngực Văn. Hai cánh tay vòng lên cổ Văn xoắn xuýt. Tiếng nói thoát ra từ đôi môi trái tim không son phấn: "Vô cùng biết ơn anh. Nếu không có anh, chẳng biết số phận mẹ con em sẽ ra sao". "Đừng nói chuyện ơn huệ ở đây. Không có anh sẽ có người khác". Ánh bình minh hòa tan trong mắt. Không nhìn thấy gì, nghe thấy gì. Chỉ có hai tấm thân đang run rẩy.
Câu chuyện đêm giao thừa năm ngoái cứ theo bám Văn. Ngay cả vết máu sản phụ dính nơi tay áo chả hiểu sao tẩy mãi không sạch. Nó như điềm báo trước. Sợi dây tình cảm giữa hai người được kết nối bằng những cánh thư. Rất nhiều thư. Nó như cái neo níu giữ hai tâm hồn, hai trái tim thổn thức. Văn tỏ tình. Một tháng rồi chưa nhận được hồi âm. Một cái Tết nữa đang đến gần. Văn tin tình yêu chân thành của mình sẽ được Liên đáp lại như mùa xuân đang đến.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN