Nhờ áp dụng các phương thức bán hàng qua internet, tích cực đưa công nghệ mới vào sản xuất... làng nghề mộc Đông Giao vẫn giữ được đà phát triển.
Bán hàng online là một "cuộc cách mạng" trong tiếp cận thị trường của làng nghề mộc Đông Giao
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng cao của thị trường, làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) đã và đang tích cực đổi mới để thích ứng.
Thay đổi cách bán hàng Bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội là một "cuộc cách mạng" đối với làng mộc Đông Giao dù thời gian đầu việc này còn lạ lẫm và gặp nhiều khó khăn. Nhiều người trẻ trong làng đã học hỏi, có không ít ý tưởng sáng tạo, tìm tòi phương thức mới để tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua sự kiên trì của chủ các cơ sở và danh tiếng vốn có của đồ gỗ Đông Giao, khách hàng ngày càng tin tưởng và doanh thu từ bán hàng trực tuyến cũng tăng mạnh.
Theo chị Đào Thị Thu Hương, một YouTuber của Công ty TNHH Mộc An Hải, doanh nghiệp với thương hiệu Khoa-Lê này bắt đầu giới thiệu, bán sản phẩm trên YouTube và một số mạng xã hội khác từ 2 năm trước. Một số sản phẩm bán trên mạng tiêu thụ tốt hơn do có thể giới thiệu kỹ đến khách hàng ở khắp nơi, thậm chí có thể tổ chức đấu giá online. "Để bán sản phẩm online không cần đầu tư nhiều, chỉ cần điện thoại, thiết bị ánh sáng và phòng tĩnh. Việc giới thiệu sản phẩm do 2 người phụ trách", chị Hương cho biết.
Các cơ sở còn tiếp cận thị trường quốc tế, tuyển nhân viên biết tiếng Trung Quốc và sử dụng được ứng dụng WeChat (một mạng xã hội nổi tiếng tại Trung Quốc) để đẩy mạnh bán hàng qua nền tảng này. Tuy không nhiều nhưng mỗi đơn hàng xuất đi thường có giá trị lớn. Đây cũng là cách đối phó trong lúc bùng phát dịch Covid-19 và giữ thị phần.
Hiện nay, nhiều khách ngoại quốc và nội địa vẫn chưa trở lại nên hầu hết các cửa hàng đều vắng vẻ. "Nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong làng đã phát trực tiếp trên Facebook để chào bán hàng. Các cơ sở còn tích cực tham gia các hội chợ ở Trung Quốc, ASEAN... nhắm tới nhu cầu của các Việt kiều, Hoa kiều ở EU, Mỹ", ông Phạm Văn Chương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bến Đông Giao cho biết.
Bảo tồn và phát triểnLàng nghề mộc Đông Giao nằm ở 2 thôn Đông Giao và Bến Đông Giao, đều thuộc xã Lương Điền. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, Đông Giao từng có hơn 1/3 trong tổng số 582 hộ làm nghề phải tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19.
"Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhiều người làm mộc Đông Giao vẫn quyết tâm, kiên trì gắn bó với nghề truyền thống, thực hiện đổi mới từ phương thức sản xuất đến cách thức quản lý và chuyển dịch thị trường", ông Phạm Văn Chương cho biết thêm.
Việc phân công lao động tại làng nghề cũng có nhiều nét mới. Trong hơn 3.000 lao động ở làng nghề thì 1/3 là nhóm thợ chính có tay nghề cao, còn lại chủ yếu là thợ phụ, thợ đóng gói và chuyên chở sản phẩm. Ngoài ra còn có những người chuyên về quảng bá sản phẩm, marketing...
Đến nay, khoảng 40% số cơ sở sản xuất đã lắp đặt máy móc để giải phóng sức lao động, nhất là ở các khâu nặng nhọc, ô nhiễm như chế biến gỗ, đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm... Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp tiết kiệm sức lao động, giảm giá thành sản phẩm nên thu hút nhiều người mua hơn.
Theo ông Vũ Văn Điệp, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Oanh - Điệp, sản phẩm của làng nghề luôn được sáng tạo, đa dạng hóa để đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Ngoài các sản phẩm được chế tác theo kiểu truyền thống Việt Nam, còn có đồ gỗ đục, chạm khắc truyền thần, tượng, con giống, lộc bình, hoa lá... hay những sản phẩm chế tác theo văn hoá truyền thống Trung Quốc, theo mẫu mã của khách hàng Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, châu Âu, châu Mỹ…
Đa dạng hóa sản phẩm và luôn cập nhật nhu cầu thị trường là tư duy mới của người làm mộc ở Đông Giao
Đặc biệt, trong năm nay sản phẩm lộc bình An Hải của làng nghề mộc Đông Giao đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây cũng là một phần kết quả trong thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, nhất là trong lộ trình xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm mộc Đông Giao. Về lâu dài, làng nghề mộc Đông Giao sẽ được định hình thành một điểm đến trong hệ thống du lịch của huyện, của tỉnh. "Huyện đã quy hoạch khu kinh doanh, dịch vụ, thương mại tại thôn Đông Giao với diện tích gần 8 ha. Xã cũng đang đề xuất các phương án quy hoạch để mở rộng không gian làng nghề, cùng với nâng cấp đường giao thông, xử lý các ô nhiễm môi trường phát sinh", Chủ tịch UBND xã Lương Điền Nguyễn Đình Bằng cho biết.
Làng nghề mộc Đông Giao nằm sát quốc lộ 38 nối với quốc lộ 5. Nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở đây bắt đầu từ khoảng năm 1970 và phát triển mạnh từ khoảng năm 1990. Ngày 1.9.2004, Đông Giao được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề. Từ sự năng động và phát triển của làng mộc Đông Giao đã thúc đẩy các làng nghề sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ vệ tinh xung quanh như Thái Lai, Đồng Khê (cùng xã Lương Điền) và 3 làng ở xã Hòa Phong (Mỹ Hào, Hưng Yên). |
TL