Sau gần 20 năm vắng bóng, NSND Lê Khanh đã trở lại màn ảnh với vai Thái Tuyết Mai trong phim Gái già lắm chiêu 3. Nữ nghệ sĩ kể về thời làm phim gian khổ, suýt chết của mình.
- Cảm xúc của NSND Lê Khanh sau gần 20 năm trở lại với điện ảnh?
- Hiện tại, tôi rất hạnh phúc vì đây là lần đầu tiên tôi trở lại sau nhiều năm giã từ màn bạc. Càng hạnh phúc hơn khi nhìn thấy mọi người đón nhận sản phẩm trở lại của mình.
Ngày xưa, diễn viên còn được xem nháp phim trước khi công chiếu nhưng nay thì hoàn toàn không. Khi suất chiếu đầu tiên mở màn cũng là lần đầu tôi được nhìn thấy các thước phim do mình góp mặt. Khi xem lại những thước phim ấy, tôi đã xúc động bật khóc. Tôi khóc vì hạnh phúc, vì vui sướng, vì công sức của cả đoàn phim đã có được thành quả xứng đáng, được mọi người đón nhận.
Vào vai bà mẹ chồng khó tính trong phim Gái già lắm chiêu 3, NSND Lê Khanh đã đánh dấu sự trở lại của mình sau gần 20 năm xa rời màn ảnh |
- Điều gì đọng lại trong chị khi xem những thước phim đó?
- Thực sự, khi ấy tôi vô cùng nhớ Huế (địa điểm quay phim Gái già lắm chiêu 3 – PV), nhớ những ngày mệt nhọc, khó khăn mà tôi cùng ê-kíp đã trải qua. Tôi nhớ những ngày cùng nhau làm việc thâu đêm suốt sáng, cùng dải nắng dầm mưa để có những thước phim này. Đặc biệt, khi xem cùng các bạn diễn trong ê-kíp, lòng tôi như được đoàn tụ với gia đình, một gia đình thực thụ mà từ khi đóng máy đến nay mới được gặp lại.
Khi xem mình trên màn ảnh, lòng tôi mới trút được gánh lo. Trước đó, tôi cứ canh cánh trong lòng về sự trở lại. Thực sự trước đó, tôi chưa hề biết về dự án này nên rất lo lắng. Cho đến khi ngồi vào hàng ghế khán giả, nhìn ngắm lại thành quả của mình tôi mới an tâm.
- Với lần trở lại này, chị có mang câu chuyện của mình để đưa vào nhân vật?
- Đây là điều đặc biệt được lặp lại lần hai trong sự nghiệp làm điện ảnh của tôi. Tức là tôi được đạo diễn đo ni đóng giày cho nhân vật của mình. Trên cơ sở đời sống, sự nghiệp thực tế của tôi, họ lựa chọn viết kịch bản phù hợp cho nhân vật.
Lần đầu tiên là khi tôi tham gia bộ phim Chiều mùa hè thẳng đứng của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Khi đó, đạo diễn hỏi tôi muốn lấy tên nhân vật là gì, tôi đã chọn tên Khanh để có cảm giác gần gũi, không có ranh giới giữa người nghệ sĩ và nhân vật.
Trong lần này, khi hai đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito ngỏ lời mời tôi, họ đã nói nếu như tôi nhận lời, họ sẽ xây dựng nhân vật dựa trên một phần con người, sự nghiệp, tính cách của tôi. Chính vì điều này, tôi cảm thấy vai diễn của mình rất gần gũi.
Ở mỗi tác phẩm, tôi luôn muốn có sự hòa quyện giữa người diễn viên và nhân vật. Hai bộ phim trên đã làm được điều mà tôi mong muốn.
NSND Lê Khanh giã từ điện ảnh đúng vào 10 năm xuân sắc nhất đời người |
- Lý do gì khiến chị vắng bóng trên màn ảnh suốt nhiều năm qua?
Sự nghiệp nghệ thuật của tôi khá là đặc biệt. Với điện ảnh, vô tình nó cứ theo chu kỳ 10 năm một lần. Tôi làm nghệ thuật từ những ngày còn nhỏ, nhưng để nói về những vai diễn chững chạc, trong hình ảnh của một cô con gái trưởng thành là thời điểm tôi 15 tuổi.
Tuy nhiên, năm 15 tuổi rưỡi, tôi về đầu quân cho Nhà hát Tuổi trẻ. Với nền kỷ luật rất nghiêm, tôi phải dừng lại sự nghiệp điện ảnh để tập trung xây dựng phong cách sân khấu chuyên nghiệp. Từ đó, tôi giã từ điện ảnh, đúng vào 10 năm xuân sắc nhất đời người.
10 năm sau, tức vào năm 1988, tôi quay lại với nền điện ảnh đúng như lời hứa lúc trước của mình. Thời điểm đó, tôi làm phim ào ạt, liên tục đi cùng đoàn phim. Giai đoạn đó, tôi phải sống ở Sài Gòn vì làm phim cho các xưởng miền Bắc, Trung ương, Giải phóng.
Tác phẩm kết thúc của tôi ở thời điểm đó là phim Chiều mùa hè thẳng đứng. Kể từ sau đó, thị trường phim Việt thoái trào, có dấu hiệu đi xuống và được thay thế bằng trao lưu video clip ca nhạc. Nhận thấy dòng chảy của thị trường lúc đó nên tôi quyết định trở về với sân khấu và chờ đợi những tác phẩm phù hợp.
Mọi thứ cứ thế cuốn tôi trôi theo, các dự án bên sân khấu vô cùng hấp dẫn, tôi cứ mải miết diễn, đi vòng quanh thế giới. Thực sự bản thân tôi cũng không nghĩ mình đã rời xa màn ảnh lâu như vậy. Cho đến một ngày, Bảo Nhân và Nam Cito gặp tôi và nói Lê Khanh đã vắng bóng suốt 20 năm khiến tôi ngỡ ngàng.
NSND Lê Khanh chia sẻ về điện ảnh xưa và nay sau nhiều năm trở lại |
- Ở góc độ cá nhân, chị nhìn nhận thế nào về điện ảnh thời trước và hiện tại?
- Mỗi thời sẽ có những cái khó, cái hay riêng. Điện ảnh ngày xưa rất chỉn chủ, chuẩn mực, đôi khi hơi cứng nhắc, mô phạm theo các lý thuyết phim. Có những cảnh phim phải bắt suốt 3 ngày, 5 ngày mới được trình chiếu, nếu không cả đoàn phải làm lại. Đạo diễn buộc phải bắt đúng khẩu độ ấy, ánh sáng ấy thì mới toàn vẹn được một cảnh bình minh hay hoàng hôn.
Còn với thời nay, điện ảnh đã phát triển hơn, máy móc hiện đại giúp rất nhiều cho công tác sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đã giúp các thước phim trông sinh động, lung linh hơn.
Điều tôi thấy hạnh phúc nhất ở thời nay chính là người diễn viên được nói bằng giọng thật của mình, không phải qua lồng tiếng. Tôi cảm giác việc lồng tiếng rất giả, mình diễn nhưng lại đưa một người khác lồng tiếng khiến cho bộ phim bị giới hạn về cảm xúc, không còn mang đến cảm xúc chân thực cho người xem.
Thời nay, công nghệ làm phim rất chuyên nghiệp. Một trong những điểm mạnh nhất mà thời trước chưa làm được chính là khâu truyền thông, giới thiệu để sản phẩm của mình đến gần hơn với khán giả. Ngày xưa, người làm phim quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, cứ để cho nó tự nhiên được khán giả đón nhận. Tuy nhiên, không việc gì là tự nhiên cả nếu con người không chăm chút cho nó. Nếu mình không quảng bá, tạo hiệu ứng cho nó thì người ta sẽ quên ngay trong cuộc sống bề bộn này.
Điều tiếp theo tôi nhận thấy nền điện ảnh thời nay khác với thời xưa là người làm phim bắt đầu chú ý đến yếu tố hấp dẫn. Họ bắt đầu chú tâm, chăm chút hơn về phần nghe (âm thanh), phần nhìn (tạo hình, trang phục) và cảm xúc. Từ đó cho thấy, các nhà làm phim tôn trọng khán giả về tính giải trí và nhu cầu của họ, không ép họ xem phim vì mục đích giáo dục hay truyền đạt một tư tưởng nào đó. Người sáng tạo có thể tự do, làm được nhiều đề tài mà mình thích, được xã hội quan tâm.
NSND Lê Khanh từng suýt chết trên phim trường |
- Chị có kỷ niệm nào đáng nhớ khi làm nghệ thuật trong điều kiện thiếu thốn vật chất ngày xưa?
- Thời đó đói lắm, ăn uống không được như bây giờ, hễ có gì là ăn nấy. Năm 1978, tôi tham gia một bộ phim cách mạng, đóng vai nữ thanh niên xung phong. Suốt những ngày ở trường quay, tôi chỉ ăn bột mì luộc nhân lá sắn xào. Chỗ nghỉ thì chỉ dừng lều dựng trại chứ không được ở khách sạn, đầy đủ tiện nghi rồi có cả trợ lý đi theo như bây giờ.
Về phần kỹ thuật, cứ hỏng một phân đoạn là phải làm lại, vừa mất tiền vừa mất thời gian. Ngày xưa làm một bộ phim rất lâu, từ khâu quay, dựng đến chỉnh sửa.
Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là sự an toàn cho người diễn viên. Đoàn phim ngày xưa rất hạn chế về công cụ bảo hộ, nhiều cảnh nguy hiểm chỉ cần sơ sảy một chút là sẽ mất mạng. Tôi có rất nhiều bộ phim nguy hiểm, nhưng may mắn thoát nạn và bây giờ còn đứng đây.
- Chị có thể chia sẻ về lần nguy hiểm nhất khi đóng phim mà mình từng gặp?
- Tôi còn nhớ có một cảnh mình phải chèo thuyền thúng đi ra sông, bản thân phải làm thế nào để chiếc thuyền lật úp xuống. Trong cảnh phim đó, hàng trăm cái nón phải nổi lênh đênh, bồng bềnh trên mặt nước để làm đối trọng với số phận của người con gái. Bên cạnh đó, phải có một chiếc thuyền lớn đi qua.
Lúc đó, tôi làm đúng như lời yêu cầu của đạo diễn, khi úp thúng xuống, chiếc tàu lớn đi ngang cứ hút tôi vào cánh quạt, nếu không cẩn thận thì mình bị xoay ngay lập tức. Dù rất sợ nhưng cuối cùng cũng thoát ra được. Đến bây giờ, khi nhắc lại tôi vẫn nhớ như in về lần đối mặt với tử thần ấy trong lúc làm nghề.
Theo Vietnamnet