Anh Vũ Văn Quê kể, năm 2011, một ngày trước khi lên đường đi xuất khẩu lao động, anh bị tai nạn giao thông giữa đêm, cả người và xe lao xuống mương nước, gãy ba đốt sống cổ.
Mọi người phát hiện, đưa anh vào viện cấp cứu. Chăm sóc đặc biệt mấy ngày vẫn bất tỉnh, bác sỹ khuyên đưa anh về quê lo hậu sự. Gia đình kiên quyết xin phẫu thuật, dù biết tỷ lệ tử vong hậu phẫu rất cao. Nhưng chưa đến một ngày sau ca mổ, anh Quê tỉnh lại trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Dù phục hồi chức năng thời gian dài, cổ hoạt động được nhưng đôi chân của anh vẫn không thể nhúc nhích. Đã vậy, anh Quê còn bị viêm phổi nặng cùng với những vết lở loét, nhiễm trùng vùng mông do nằm nhiều nên anh liên tiếp được chuyển viện, hết tuyến trung ương rồi về tỉnh, sau ba năm mới được về nhà. Hôm đầu về nhà, hai con gái không thể nhận ra bố.
Nỗi đau thể xác chưa nguôi, nỗi đau tinh thần ập đến khi Quê biết tin vợ bỏ đi theo tình yêu mới. Bản thân bị liệt phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt của anh đều phụ thuộc vào sự phục vụ của người mẹ ngoài 60 tuổi. Nhìn về tương lai không chút hy vọng, có thời điểm Quê tính đến việc giải thoát cho bản thân nhưng nghĩ tới hai đứa con thơ dại, anh không đành.
Đúng thời điểm tuyệt vọng nhất, có người em mang đến cho Quê chiếc smartphone. Một lần tình cờ xem được đoạn video sửa chữa đồ điện tử, thấy thích, Quê tìm kiếm thêm thông tin liên quan. Ý tưởng làm thợ sửa chữa cũng lóe lên trong đầu anh từ đó.
Cuối năm 2014, Vũ Văn Quê lần đầu cầm dụng cụ sửa đồ, bắt đầu hành trình tìm lại chính mình. Anh nhờ mẹ xoay người nằm sấp trên giường, đệm chiếc gối trước ngực, cằm chống lên mép giường như người ta bơi ếch. Do hai chân bị liệt, toàn bộ dựa vào vận động thân trên, anh loay hoay cầm mỏ hàn sửa chiếc âm li hỏng trong nhà. Nhưng tay phải yếu, không thể co duỗi, cuối cùng người đàn ông này rèn tư thế nằm nghiêng, một tay chống lên đầu giữ thăng bằng, tay còn lại dùng để sửa chữa.
Sau cả tuần tháo ra, lắp vào, Quê cũng sửa xong, nhưng vừa cắm điện, chiếc âm li bỗng phát nổ. Mò mẫm khắp các trang mạng tìm nguyên nhân, cuối cùng anh phát hiện, do cắm cùng lúc nhiều loa, máy quá tải nên xảy ra sự cố. Lần thứ hai, Quê lại sơ suất trong đấu dây điện, âm li tiếp tục phát nổ. Nằm vật trên giường vì kiệt sức, mồ hôi vã ra như tắm, anh tính bỏ cuộc.
"Nhưng tôi lại động viên mình, cái chết cận kề còn vượt qua được nữa là việc cỏn con này", Quê kể. Nghĩ là làm, dù lúc đó là nửa đêm, anh tiếp tục cầm mỏ hàn mày mò, may mắn âm li hoạt động trở lại. "Mừng đến nỗi nước mắt chảy, may các con đã ngủ hết, không chúng lại cười bố hay khóc", người đàn ông nhớ lại thời điểm 8 năm trước.
Chính bản thân Quê cũng không ngờ, chiếc âm li sửa thành công năm đó đã khiến cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác.
Càng mày mò, người đàn ông này càng học được nhiều kiến thức về điện tử từ sơ đồ đến nguyên lý hoạt động của các loại máy móc. Để học hỏi và nâng cao tay nghề, anh tham gia vào các hội nhóm trên mạng, kết nối với những người cùng đam mê. Từ chỗ chỉ biết sửa những món đồ lặt vặt trong nhà, Quê nhận sửa thêm các thiết bị như tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện, điều hòa cho bà con chòm xóm. Anh vừa làm vừa truyền dạy cho cô con gái út Tuyết Nhi hỗ trợ bố lắp ráp - việc mà anh không thể thực hiện.
Công việc lặp đi lặp lại của máy móc, ốc vít... làm cho ngón tay Quê ken đặc màu rỉ sét, đặc biệt phần hông bên phải, nơi tựa nhiều mỗi khi làm việc cũng bị chai cứng. Để sửa một thiết bị điện tử thông thường, ban đầu anh tốn gấp đôi thời gian so với thợ phổ thông, bởi cứ làm một lúc lại nằm nghỉ để giảm áp lực lên hông và đau nhức vùng tay phải. Giờ quen việc, Quê có thể làm vài tiếng không biết mệt.
"Bố cháu thường làm việc đến 1-2 giờ sáng. Nhiều hôm tỉnh giấc, cháu vẫn thấy bố vẫn đang loay hoay với chiếc mỏ hàn", Tuyết Nhi, con gái thứ hai của Quê nói về bố mình.
Sau ba năm sửa chữa đồ điện tử cho người dân quanh xã, năm 2017, Quê tự lập một kênh YouTube, chia sẻ kinh nghiệm với những người cùng đam mê. Anh đã đăng tải khoảng hơn 100 video, có thêm bạn bè khắp nơi, nhận được nhiều lời khen ngợi và hỏi thăm. Với người đàn ông này, đó là niềm vui không thể diễn tả thành lời bởi sau khi bị liệt, ngoại trừ người nhà, nhiều năm Quê không được nói chuyện với người khác.
Nhờ sự chăm chỉ và uy tín, khách hàng đến với Quê ngày càng đông, từ Bắc vào Nam. Dù thu nhập chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, nhưng số tiền đó cũng trở thành động lực cho người thợ này, bởi anh đã tìm thấy "giá trị của sự tồn tại".
Ông Lê Thanh Sơn, trưởng thôn An Lĩnh, nơi Quê và hai con gái sinh sống, chia sẻ, ở thôn anh là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên. "Không những vậy, anh Quê còn giúp đỡ một số người khuyết tật khác học nghề sửa chữa điện tử, tạo công ăn việc làm cho họ", vị trưởng thôn nói.
Ngay khi bắt tay vào nghề sửa chữa điện tử, Quê mong ước ngồi vững trên xe lăn thay vì chỉ nằm một chỗ. Anh từng muốn cắt bỏ đôi chân "cứng như khúc gỗ khô" nhưng bác sỹ khuyến cáo việc này nguy hiểm tới tính mạng, nên chỉ phẫu thuật hai ổ khớp gối năm 2018, để có thể ngồi được. Dù vậy hiện tại, anh chỉ ngồi được vài chục phút là phải đổi tư thế bởi dễ bị tụt huyết áp dẫn đến ngất xỉu. Bác sĩ cho hay, phải tiếp tục phẫu thuật mới có khả năng ngồi lâu. Tuy nhiên, tài chính gia đình khó khăn nên chưa thể thực hiện.
Giờ, người đàn ông 38 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc mỗi ngày, dù chỉ nằm một chỗ. Anh hy vọng gom góp đủ tiền, tương lai mở một cửa hàng sửa chữa điện tử to và tươm tất hơn so với căn phòng hiện tại trong nhà.
"Tôi vẫn đang cố gắng hết sức, bởi cuộc sống vẫn tươi đẹp và tương lai còn rất dài", anh nói.
Theo VnExpress