Làm đẹp

Làm gì khi mọc mụn nội tiết tố?

TB (theo VnExpress) 02/05/2024 13:43

Uống thuốc, điều chỉnh hormone giúp cân bằng nội tiết, thay đổi chế độ dinh dưỡng, chăm sóc da khoa học giúp giảm mụn.

Mụn nội tiết xuất hiện do thay đổi các hormone trong cơ thể, khiến tuyến dầu tiết ra quá nhiều bã nhờn làm bít tắc nang lông, vi khuẩn phát triển gây viêm và mụn. Mụn nội tiết ở nữ giới có thể xuất hiện ở nhiều giai đoạn, phổ biến nhất là dậy thì, cận kỳ kinh nguyệt, mang thai và sau sinh hoặc khi stress.

BS.CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, khuyến cáo người bị nổi mụn nội tiết nên đi khám để được chẩn đoán tình trạng bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp. Có nhiều cách điều trị mụn nội tiết ở nữ giới. Người bệnh nổi mụn ít có thể sử dụng các sản phẩm không kê đơn như thuốc bôi chứa axit salicylic, glycolic, tinh dầu tràm trà, axit alpha hydroxy, axit azelaic, dung dịch lưu huỳnh 5%... Chúng có khả năng ngăn chặn vi khuẩn và giảm viêm, giúp se cồi mụn.

Khi mụn nhiều, tùy từng trường hợp, bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh, dẫn xuất của vitamin A, kháng viêm, các hoạt chất có tác dụng loại bỏ tế bào chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông và giúp làn da thông thoáng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định liệu trình phối hợp thêm như ánh sáng sinh học, liệu pháp quang động (ALA-PDT), thay da sinh học...

Trường hợp có kết quả xét nghiệm máu bất thường về nội tiết tố, tùy thuộc người bệnh bị rối loạn (tăng hoặc giảm) loại nội tiết nào và nguyên nhân gì được dùng thuốc nội tiết riêng. Phương pháp này có tác dụng giảm mụn nội tiết, điều trị hiệu quả mụn do rối loạn nội tiết ở người trưởng thành. Ngoài điều trị bằng các loại thuốc, người bệnh cần chăm sóc da đúng cách để ngăn mụn nặng hơn, ngừa sẹo và tăng sắc tố sau mụn.

Khi chăm sóc da mụn nội tiết, cần lưu ý rửa mặt với sữa rửa mặt tối đa hai lần mỗi ngày và sau khi đổ mồ hôi. Nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ dành riêng cho da mụn và nước ấm, không dùng nước nóng. Không chạm tay lên mặt để tránh vi khuẩn xâm nhập vào da; không chà xát, nặn mụn vì gây viêm hoặc làm tình trạng nặng hơn.

Vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, chăn gối, dụng cụ trang điểm. Tẩy trang sạch trước khi đi ngủ để tránh cặn mỹ phẩm còn sót bít tắc lỗ chân lông. Sử dụng kem dưỡng ẩm, chống nắng có thành phần phù hợp.

Để chăm sóc da từ bên trong, mỗi ngày nên uống đủ hai lít nước, ngủ đủ 8 tiếng, hạn chế thức khuya; tránh căng thẳng, áp lực. Chế độ dinh dưỡng nên bổ sung thực phẩm có chứa kẽm, vitamin C, B, E, ăn nhiều rau xanh, trái cây giúp da khỏe mạnh.

Ăn thực phẩm nhiều đường làm cơ thể tăng phóng thích insulin, kích thích giải phóng các hormone khác, dẫn đến tăng sừng hóa và tiết nhiều bã nhờn khiến mụn nội tiết trầm trọng. Nên hạn chế thực phẩm ngọt, béo cùng các đồ cay nóng, chiên rán, dầu mỡ, đồ uống có cồn, thuốc lá...

Phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành bị nổi mụn và có các triệu chứng đi kèm như tăng cân, kinh nguyệt không đều, rụng tóc, rậm lông, mụn đột ngột và nặng, mụn gây ảnh hưởng đến tâm lý, mụn viêm, mủ số lượng nhiều, để lại sẹo xấu... nên đi khám sớm để tìm nguyên nhân.

TB (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì khi mọc mụn nội tiết tố?
    ss