Xây dựng Đảng - Chính quyền

Làm gì để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã? Bài 3: Giải "bài toán” trụ sở công

PHONG TUYẾT 08/09/2023 06:00

Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, nhiều trụ sở công hiện vẫn bỏ hoang, gây lãng phí. Vậy đợt sắp xếp giai đoạn 2023-2025 phải giải "bài toán" này thế nào?

W_z4651172321330_a84d4b993714e116b4a150783e877ab7.jpg
Trụ sở xã Quyết Thắng cũ (nay thuộc xã Ứng Hòe, Ninh Giang) chưa được khai thác hiệu quả sau sáp nhập, gây lãng phí

Nhiều công trình bỏ hoang

Năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương giám sát chuyên đề về tình hình sử dụng trụ sở công trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả giám sát, toàn tỉnh có 31 trụ sở xã dôi dư với tổng diện tích đất hơn 12,4 ha và hơn 2,7 ha diện tích nhà. Tại thời điểm giám sát vào tháng 6.2022, ở TP Hải Dương, các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành, Thanh Miện, nhiều trụ sở mới được đầu tư đưa vào sử dụng nhưng đã bị bỏ hoang.

Đến nay, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, nhiều trụ sở UBND cấp xã dôi dư sau sáp nhập giai đoạn trước vẫn "cửa đóng then cài", bị bỏ hoang hoặc khai thác không hiệu quả.

Là trụ sở có diện tích đất lớn nhất trong các trụ sở xã dôi dư trên địa bàn tỉnh với gần 1,3 ha, trụ sở xã Thái Sơn cũ, nay thuộc phường Phạm Thái (Kinh Môn) đang bỏ hoang. Cùng với diện tích đất rộng với một nhà làm việc, trụ sở xã Thái Sơn cũ còn có một nhà văn hóa trung tâm xã khang trang được xây dựng năm 2012, vừa sử dụng được mấy năm thì xã sáp nhập.

Thực tế trên là tình trạng chung của nhiều trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập giai đoạn 2019-2021. Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý, trong đó có phương án bố trí, sắp xếp cụ thể với trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập. Tuy nhiên, việc thực hiện phương án này còn một số vướng mắc. Nhiều địa phương gặp khó khi chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục đấu giá, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất các trụ sở dôi dư bị vướng mắc thủ tục, quy định. Điều này xảy ra do một số chính sách, quy định của Trung ương chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện ảnh hưởng lớn đến tiến độ xử lý trụ sở công dôi dư sau sáp nhập của tỉnh.

Trong khi đó, ở một số xã, các trường học thiếu diện tích để đạt chuẩn nhưng không thể điều chuyển trụ sở dôi dư để mở rộng trường học vì vị trí cách xa điểm trường. Trụ sở dôi dư vốn là nơi làm việc của UBND cấp xã với những đặc thù riêng về kết cấu, thiết kế, một số nơi đã có phương án xử lý nhưng lại không có kinh phí để cải tạo cho phù hợp với mục đích sử dụng mới. Báo cáo giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cũng chỉ ra rằng có địa phương và cơ quan chức năng chậm trễ trong đề xuất phương án xử lý trụ sở công dôi dư...

W_f738ddd3-f4b1-4f19-9072-3dc9bfdd6a58.jpeg
Khu nhà làm việc của xã Gia Hòa cũ (nay là xã Yết Kiêu, Gia Lộc) được điều chuyển cho Trường Mầm non Gia Hòa nằm ngay đối diện

Tìm cách tháo gỡ

Giai đoạn 2023-2025, các địa phương, các cấp, ngành liên quan cần tiếp thu một số cách làm tốt trong xử lý trụ sở công dôi dư của giai đoạn trước để tránh lãng phí. Chẳng hạn, giai đoạn 2019-2021, nhiều trụ sở làm việc của UBND cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp được điều chuyển để mở rộng cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, làm trụ sở công an xã, nhà làm việc của các đoàn thể; có trụ sở được phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc để mở rộng di tích, cơ sở tôn giáo.

Trụ sở xã Gia Hòa cũ sau khi sáp nhập với xã Yết Kiêu thành xã Yết Kiêu (Gia Lộc) được chuyển cho Trường Mầm non Gia Hòa, hội trường trung tâm xã chuyển cho Trường THCS Gia Hòa. Theo ông Phạm Văn Du, Chủ tịch UBND xã Yết Kiêu, phương án xử lý trụ sở công dôi dư này là hợp lý. "Dựa trên căn cứ vị trí, trụ sở xã Gia Hòa cũ nằm đối diện trường mầm non, gần trường THCS nên việc điều chuyển thuận lợi. Hiện nay, Trường THCS Gia Hòa đang chuẩn bị tiến hành tu sửa nhà văn hóa trung tâm thành nhà đa năng. Đây sẽ là điều kiện để trường này tiến tới đạt chuẩn mức độ 2 vì đang thiếu tiêu chí về diện tích và cơ sở vật chất", ông Du cho biết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những phương án giải quyết trên của các địa phương mang tính chất tình huống. Do công năng sử dụng trước đó là để làm trụ sở UBND xã, nay chuyển sang mục đích khác cần đầu tư kinh phí cải tạo, sửa chữa cho phù hợp với công năng sử dụng mới. Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện cho rằng để xử lý hiệu quả trụ sở công dôi dư sau sáp nhập, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, cải tạo những cơ sở vật chất sẵn có, đáp ứng mục đích sử dụng mới.

Ngày 17/8/2023, Sở Tài chính đã có hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng tài sản công khi tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Theo ông Nguyễn Đồng Kim, Phó Giám đốc Sở Tài chính, các xã dự kiến sáp nhập trong thời gian tới cần cân nhắc việc đầu tư cải tạo, sửa chữa trụ sở trước khi sáp nhập để tránh lãng phí đầu tư công. Nếu tiếp tục giữ làm trụ sở xã mới thì mới đầu tư cải tạo, nâng cấp. Các huyện cần tính phương án sắp xếp, xử lý, sử dụng trụ sở, bao gồm trụ sở xã mới và các trụ sở dôi dư sau sáp nhập.

Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 771/CĐ-TTg về rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023-2030. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Tài chính căn cứ vào yêu cầu thực tế, nghiên cứu, đề xuất xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và các nghị định, văn bản liên quan để tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã? Bài 3: Giải "bài toán” trụ sở công