Chính trị

Làm gì để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã? Bài 1: Yêu cầu khách quan

HÀ VY - NGUYỄN THẢO 06/09/2023 06:00

Từ hôm nay, báo Hải Dương đăng loạt bài phản ánh những vấn đề quan trọng đang đặt ra trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

W_z4651422799590_4f4cbbde8573b4b3c6c43d60740e7e17.jpg
Sau sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021, nhiều công trình ở xã An Phượng (sáp nhập từ xã Phượng Hoàng và An Lương cũ) đã được đầu tư. Trong ảnh: Công trình cải tạo, mở rộng tuyến đường trục chính xã dài gần 2 km, kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, khởi công từ giữa năm 2023

Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hải Dương đã sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 25 đơn vị mới. Thực hiện sắp xếp giúp tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các xã, phường, thị trấn, tạo động lực, điều kiện phát triển mới cho các địa phương.

Tinh gọn bộ máy, giảm cán bộ, công chức

Xã Chí Minh (Tứ Kỳ) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Tứ Xuyên, Tây Kỳ và Đông Kỳ. Trước sáp nhập, 3 xã cũ có 48 cán bộ, công chức. Đến nay, xã Chí Minh đã giảm chỉ còn 23 người. Tính riêng trong năm 2022, xã đã rà soát, tổ chức lại đội ngũ cán bộ, công chức và đề nghị huyện điều động, luân chuyển 9 công chức sang các địa phương khác, giải quyết cho 1 công chức nghỉ chế độ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết từ nay đến cuối năm, địa phương tiếp tục kiến nghị sắp xếp 2 công chức dôi dư, bảo đảm số lượng cán bộ, công chức theo đúng quy định.

Xã Hồng Dụ (Ninh Giang) hiện nay được sáp nhập từ hai xã Hồng Thái và Hồng Dụ. Sau sáp nhập, địa phương đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng, tu sửa, nâng cấp nhiều công trình trường học, đường giao thông, nhà văn hóa.

Đáng chú ý, trước khi sáp nhập, 2 xã Hồng Dụ và Hồng Thái còn nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 26 tỷ đồng. Để giải quyết vấn đề trên, địa phương chú trọng quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch chung của xã để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu. Đến nay, xã đã cơ bản giải quyết xong số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản. Hồng Dụ cũng đã thực hiện sáp nhập các trường của cả 3 cấp học và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

Các trường học, trụ sở công hiện đều được xã bố trí sử dụng hợp lý, không có trụ sở công nào để không gây lãng phí.

w_z4651422792853_73a16924b7e5a1f76afa5979b0286982.jpg
Sau sáp nhập giai đoạn 2019-2021, bộ máy hành chính của xã Hồng Dụ đã tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Giai đoạn 2019-2021, huyện Ninh Giang là địa phương sắp xếp nhiều đơn vị hành chính nhất tỉnh (14 xã, trong đó 9 xã phải sắp xếp, 5 xã liền kề).

Giai đoạn 2023-2025, huyện Ninh Giang tiếp tục phải sắp xếp 7 xã và 1 thị trấn thành 3 xã và 1 thị trấn. “Từ thực tế của địa phương có thể khẳng định việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đã giúp tinh gọn bộ máy, đồng thời tăng quy mô hành chính của các địa phương, tạo thuận lợi cho quy hoạch, phát triển”, đồng chí Phan Nhật Thanh, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang đánh giá.

Đồng thuận

w_z4649622539911_e446eceea3cf5fe79c14fb6c9747a025.jpg
2 xã Thanh Quang và Quốc Tuấn (Nam Sách) dự kiến được sáp nhập, tạo tiềm lực phát triển mới cho địa phương

Những hiệu quả tích cực trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thời gian qua cho thấy chủ trương này của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, mang lại nhiều tác dụng. Đó là giảm sự cồng kềnh của hệ thống chính trị ở cơ sở, qua đó giảm chi ngân sách cho đội ngũ, đồng thời tạo không gian phát triển rộng hơn, thuận lợi hơn cho các địa phương.

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hải Dương có 38 đơn vị hành chính cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định hoặc đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định phải tiến hành sắp xếp. Xã Nhân Huệ (TP Chí Linh) được đề nghị không thực hiện sắp xếp vì những yếu tố đặc thù. Đây là xã có 3 mặt giáp với sông Kinh Thầy, 1 mặt giáp với phường Cổ Thành, có nét riêng về tập quán sinh hoạt và sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, làm nghề đánh bắt thủy sản. Nếu sáp nhập với phường Cổ Thành sẽ không phù hợp với tập quán sinh hoạt và khó khăn trong việc đi lại giải quyết thủ tục hành chính của người dân, đồng thời ảnh hưởng đến tiêu chí đô thị của phường Cổ Thành.

Theo dự kiến phương án của UBND tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh có 60 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, trong đó 37 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp và 23 đơn vị liên quan liền kề. Sau khi thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025, Hải Dương sẽ giảm 31 đơn vị, còn 204 đơn vị hành chính cấp xã.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hải Dương tại nhiều địa phương cho thấy đông đảo cán bộ, nhân dân đều đồng thuận với chủ trương quan trọng này và kỳ vọng việc sắp xếp sẽ tạo chuyển biến tích cực ở các đơn vị hành chính mới. Ông Nguyễn Văn Cung, Chủ tịch UBND xã Cổ Dũng (Kim Thành) cho biết: “Xã Cổ Dũng sẽ sáp nhập với xã Thượng Vũ. Khi biết có chủ trương sáp nhập, lãnh đạo, nhân dân 2 địa phương rất đồng thuận với chủ trương. Chúng tôi mong rằng sau sáp nhập, quy mô diện tích, số dân tăng lên, địa bàn mở rộng, xã mới sẽ có thêm nhiều cơ hội, nguồn lực để phát triển”.

Giai đoạn 2019-2021, huyện Thanh Hà thực hiện sắp xếp 5 đơn vị hành chính cấp xã thành 2 đơn vị và điều chỉnh 2 đơn vị về TP Hải Dương. Hiện huyện có 20 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 5 đơn vị so với trước. Số cán bộ, công chức giảm 54 người, số người hoạt động không chuyên trách giảm 30 người. Giai đoạn 2023-2025, Thanh Hà cũng có 7 xã và 1 thị trấn thuộc diện sắp xếp.

Thanh Hà đang đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt việc sắp xếp tại các đơn vị thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Ngày 12/7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành kế hoạch về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

HÀ VY - NGUYỄN THẢO
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã? Bài 1: Yêu cầu khách quan