Y tế - Sức khỏe

Làm gì để phát triển các vùng dược liệu ở Hải Dương?

BÌNH MINH 10/05/2024 05:30

Tỉnh Hải Dương có nhiều lợi thế để phát triển các vùng dược liệu song chưa được khai thác hiệu quả.

00:00

img_0655.jpg
Núi Dược Sơn ở xã Hưng Đạo (Chí Linh) từng là khu vực trồng thuốc nam thời xưa

Nhiều tiềm năng

Từ thế kỷ 13, tại Vạn Kiếp, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã cho gây dựng một khu vực trồng cây thuốc nam tại Dược Sơn để chữa bệnh cho các tướng lĩnh, binh sĩ và nhân dân. Lịch sử ghi lại trên núi từng trồng hàng trăm loại cây thuốc nam như: chó đẻ, lạc tiên, bồ giác, hà thủ ô, cỏ chỉ thiên, hoàng chỉ nam, găng trắng, mỏ quạ… có giá trị cao về y học, có thể chữa được nhiều loại bệnh. Theo thời gian, diện tích trồng thuốc nam trên Dược Sơn dần thu hẹp nhường chỗ cho các loại cây ăn quả khác và công trình dân sinh.

Lược lại lịch sử để thấy, từ xa xưa, Dược Sơn nói riêng, Chí Linh nói chung đã là vùng đất phù hợp cho việc trồng các loại dược liệu. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết tại Hải Dương, Chí Linh có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nhất để phát triển cây thuốc nam. "Vùng đất này thích hợp để trồng hầu hết các loại dược liệu. 1-2 năm trước, chúng tôi đã đưa một số loại cây thuốc quý hiếm như ba kích, sâm dây về đây trồng và đều cho kết quả khả quan. Hiện ở Chí Linh có một số hội viên đang phát triển diện tích trồng cây kim ngân hoa vàng - một vị thuốc quý trong đông y. Nói chung, Hải Dương có nhiều tiềm năng để phát triển các vùng trồng dược liệu", ông Nam cho hay.

Năm 2006, vườn thuốc nam tại đền Bia (thờ đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh - ông tổ của ngành y dược Việt Nam) ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) khánh thành. Vườn thuốc rộng khoảng 1.200 m², hiện có 9 ô trồng trên 1.000 cây thuốc nam, tương đương 9 nhóm bệnh, trong đó có một số vị thuốc quý... Đa số các loại dược liệu được trồng tại đền Bia đều phát triển tốt, dễ nhân rộng.

Hiện nay, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có hội viên Hội Đông y trồng cây thuốc nam. Tuy quy mô nhỏ lẻ nhưng điều đó cho thấy điều kiện tự nhiên tại nhiều địa phương cũng rất phù hợp, có tiềm năng để trồng dược liệu. Đa số trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có vườn thuốc nam.

Sớm quy vùng

Có nhiều tiềm năng là vậy nhưng việc phát triển diện tích trồng cây dược liệu tại Hải Dương hiện còn khiêm tốn và mang tính tự phát. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dược liệu để sản xuất các chế phẩm liên quan ở ngay trong tỉnh không nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược vật tư y tế Hải Dương cho biết mỗi năm doanh nghiệp cần khoảng 50 tấn diệp hạ châu khô, 70 tấn diệp hạ châu đắng, 60 tấn kim tiền thảo... để sản xuất các chế phẩm. Tương ứng với nhu cầu này cần khoảng 15-17 ha dược liệu. Tuy nhiên, hiện công ty mới chỉ phát triển được khoảng 5 ha tại các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang và TP Chí Linh. "Để có đủ nguyên liệu sản xuất, chúng tôi phải nhập ở tỉnh Bắc Giang. Địa phương này có những vùng trồng dược liệu tập trung", bà Anh thông tin.

img_0639.jpg
Một góc vườn thuốc nam ở đền Bia

Ngày 19/3 vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Chiến lược hứa hẹn sẽ mở ra một trang mới trong phát triển diện tích trồng dược liệu ở Hải Dương, vừa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, vừa góp phần phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp nhằm thực hiện chiến lược là duy trì, phát triển các vùng dược liệu sẵn có như núi Dược Sơn, đền Bia...

Một số chuyên gia cho rằng chiến lược trên là hoàn toàn phù hợp với truyền thống y học cổ truyền của dân tộc đã hình thành và phát triển từ thời kỳ dựng nước, giữ nước tới nay, đồng thời hiện thực hoá các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về kế thừa, phát huy, phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Để chiến lược thực sự phát huy hiệu quả trong tương lai, ngay từ bây giờ, Hải Dương cần rà soát, đánh giá, quy hoạch được các vùng sản xuất dược liệu tập trung theo hướng mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 vùng sản xuất dược liệu tập trung. Nhận định nhu cầu thị trường để nghiên cứu, trồng thử nghiệm và từng bước nhân rộng những loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân tham gia trồng dược liệu, nhất là về vốn vay, kỹ thuật, tiêu thụ cho từng sản phẩm. Khi các vùng sản xuất tập trung hình thành sẽ tạo ra nguồn dược liệu phong phú, tất yếu sẽ dẫn tới việc phát triển các doanh nghiệp sản xuất dược. Việc quy vùng sản xuất cây dược liệu tập trung còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Phó Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng Lê Thị Thoa cho biết có một số doanh nghiệp đã đề xuất nguyện vọng muốn được phát triển diện tích trồng dược liệu ở vùng đệm khu vực đền Bia. Khi nguồn dược liệu tại chỗ phong phú sẽ thành lập tổ hợp dịch vụ tâm linh - chăm sóc sức khoẻ - nghỉ dưỡng và "Kinh đô thuốc nam"... tại Hải Dương.

BÌNH MINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để phát triển các vùng dược liệu ở Hải Dương?