Làm gì để hạn chế thiệt hại nếu xảy ra động đất?

25/11/2019 16:45

Sáng 25.11, do ảnh hưởng của trận động đất tại Cao Bằng, nhiều nhà cao tầng tại Hà Nội đã bị rung lắc nhẹ khiến nhiều người hoảng sợ.

Trước đó, vào sáng 21.11, nhiều người dân Hà Nội cũng cảm thấy rung chấn nhẹ do một trận động đất từ nước Lào. Vậy động đất là gì và làm sao để hạn chế tối đa các nguy hại nếu động đất xảy ra?

Động đất là gì?

Động đất là sự rung chuyển trên bề mặt trái đất do kết quả của sự giải phóng năng lượng bất ngờ ở lớp vỏ trái đất và phát sinh ra sóng địa chấn.

Có 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến động đất, bao gồm: nguyên nhân nội sinh - do vận động kiến tạo của các mảng kiến tạo trong vỏ trái dđt, dẫn đến các hoạt động đứt gãy hay phun trào núi lửa ở các đới hút chìm (nơi hai mảng kiến tạo chuyển động theo hướng va hút nhau và xảy ra sự hút chìm); nguyên nhân ngoại sinh - do thiên thạch va chạm vào trái đất hay các vụ trượt lở đất đá với khối lượng lớn; nguyên nhân từ phía con người - do khảo sát hoặc khai thác hay xây dựng, đặc biệt là các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất.

Về mức độ nguy hiểm, tác động trực tiếp của các trận động đất là rung cuộn mặt đất, gây ra hiện tượng nứt vỡ, làm sụp đổ các công trình xây dựng, gây sạt lở đất, lở tuyết. Mức độ nghiêm trọng của nó dựa trên cường độ, khoảng cách tính từ chấn tâm, và các điều kiện về địa chất, địa mạo tại nơi bị ảnh hưởng.

Động đất cũng thường gây ra hỏa hoạn khi chúng phá hủy các đường dây điện và các đường ống khí. Các trận động đất xảy ra dưới đáy biển có thể gây ra lở đất hay biến dạng đáy biển, làm phát sinh sóng thần (những đợt sóng lớn tràn qua các đại dương rồi đổ bộ vào đất liền). Đôi khi động đất còn khiến núi lửa hoạt động, thậm chí là những núi lửa đã tắt từ lâu....

Trên thế giới đã xảy ra nhiều trận động đất lớn, gây thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản. Nhật Bản là một trong những quốc gia thường xuyên xảy ra động đất với các mức độ lớn nhỏ, khác nhau.

Tại Việt Nam rất hiếm những trận động đất mạnh, tuy nhiên hàng năm cũng xảy ra nhiều trận động đất có cường độ thấp. Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất mạnh là động đất Điện Biên (năm 1935) với độ lớn 6,75. Trận thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983), với độ lớn 6,8. Những trận động đất này có chấn tiêu nông nên vùng rung động phá hủy hẹp, không gây thiệt hại lớn.

Từ năm 2005 trở lại đây, tại Việt Nam xuất hiện động đất nhiều hơn nhưng cường độ không có sự tăng giảm mạnh. Ví dụ như năm 2007, ở ngoài khơi Vũng Tàu-Phan Thiết xảy ra động đất có độ lớn 5,3; trận động đất lớn nhất năm 2010 có độ lớn 5,0 tại Phú Quý, Phan Thiết; năm 2012 có trận động đất tại Thủy điện sông Tranh có độ lớn 4,8; động đất tại khu vực huyện biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) năm 2016 với độ lớn 4,7...

Còn những trận nhỏ hơn thì xảy ra nhiều, trên hàng loạt đứt gãy như Mường Lay-Bắc Yên, Cao Bằng-Tiên Yên, đứt gãy sông Mã, Sông Cả… Đa số những trận động đất này đều không gây thiệt hại.

Làm gì nếu xảy ra động đất?

Vì động đất xảy ra rất bất ngờ nên chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn nó. Cách duy nhất để đối phó là làm sao giảm đến mức tối đa thiệt hại mà động đất gây nên.

- Khi động đất xảy ra

Để tránh bi thương, thậm chí mất mạng do động đất, nguyên tắc cơ bản nhất là tìm chỗ trú an toàn để tránh các vật cứng rơi vào đầu/người khi có rung lắc. Đối với những người đang ở trong nhà, có thể chui xuống gầm bàn/gầm giường, tránh xa các cửa kính, tránh di chuyển khi vẫn đang có chấn động. Nếu đang nấu ăn cần khóa ngay van bình gas. Dùng đèn pin soi thay vì diêm, bật lửa, nến... vì dễ gây hỏa hoạn.

Trong trường hợp đang ở ngoài đường cần dừng xe ở lề đường, lánh nạn ở những bãi đất trống, tránh khu vực đông đúc; tránh xa các tòa nhà cao tầng, tường cao, gầm cầu, đường dây điện, cột điện...

Nếu đang ở trong sân vận động hay rạp hát, cần ngồi yên cho đến khi hết chấn động mới di chuyển ra ngoài theo trật tự. Khi ở gần bờ biển, cần phải di chuyển xa bờ biển bởi động đất có thể gây ra sóng thần.

- Sau khi động đất xảy ra

Tắt khóa gas và các nguồn điện không cần thiết để tránh hoả hoạn. Sau khi có động đất xảy ra, rất có thể có thêm dư chấn, vì vậy cần tiếp tục chú ý cẩn thận. Nếu nhà bị hư hỏng hay vị trí hiện tại có thể gây nguy hiểm, cần di chuyển đến khu lánh nạn. Trong khi di chuyển cần tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Tuyệt đối không được dùng thang máy vì có thể bị kẹt do mất điện.

- Đề phòng

Những vật dụng trong nhà như ti vi, gương, máy tính, kệ sách, tủ.... nên được cố định và đặt xa giường ngủ để hạn chế nguy cơ đổ, dù đổ cũng hạn chế gây thương tích cho người. Dự phòng đèn pin, pin, rađiô, băng, thuốc men... tại những vị trí thuận tiện, dễ lấy. Thay đổi chúng thường xuyên khi hết hạn.

Nắm vững các lối thoát hiểm khi ở chung cư, nhà cao tầng; theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ. Lưu số điện thoại khẩn của cấp cứu, phòng cháy chữa cháy và các cơ quan chức năng khác để gọi yêu cầu giúp đỡ khi cần, như 114  - cứu hỏa, 115 - cấp cứu...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để hạn chế thiệt hại nếu xảy ra động đất?