Chiều 11/7, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, trả nợ xây dựng cơ bản được nhiều đại biểu nêu ý kiến.
Gồng mình trả nợ
Trao đổi về vấn đề trên, đồng chí Hoàng Quốc Thưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Chí Linh cho biết đối hiện các phường, xã của TP Chí Linh đang nợ trên 100 tỷ đồng. Thời gian qua các địa phương đã gồng mình trả nợ và gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các công trình mới. Khi đầu tư các địa phương phần lớn cân đối từ nguồn thu từ đất nên khi thị trường bất động sản trầm lắng thì chưa có nguồn trả nợ. Đồng chí Bí thư Thành ủy Chí Linh đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với quy định tài chính để các địa phương thuận lợi hơn.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ cũng cho rằng giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản là vấn đề cần quan tâm. Đồng chí đề nghị tỉnh có thể xem xét các tiêu chí để hỗ trợ cho các xã để trả nợ. “Từ đầu năm đến nay, nguồn thu của huyện Tứ Kỳ từ đấu giá quyền sử dụng đất mới được 40 tỷ đồng, hiện mới nộp 25 tỷ đồng và ngân sách huyện được hưởng 10 tỷ đồng nên rất khó khăn để hỗ trợ cho cấp xã”, đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm cho biết thêm.
Theo đồng chí Nguyễn Vỹ, Bí thư Thị ủy Kinh Môn, hiện chỉ có các xã, phường ở thị xã nợ đầu tư công. Các địa phương này đang không có khả năng tự trả nợ. “Đề nghị tỉnh có cơ chế để hỗ trợ phù hợp các xã trả nợ đầu tư công để có thể tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, đồng chí Nguyễn Vỹ nêu ý kiến.
Gỡ nghẽn giải ngân vốn đầu tư công
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu bày tỏ lo lắng khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hải Dương đạt thấp. Theo đồng chí Vũ Văn Cấp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc có một số nguyên nhân thủ tục đấu thầu đầu tư công còn một số bất cập, quy trình lập quy hoạch chi tiết, thiết kế dự án mất nhiều thời gian, qua nhiều bước. Cùng với đó công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, năng lực của nhiều nhà đầu tư còn hạn chế... “Thời gian tới, để khắc phục việc này, tỉnh cần tập trung cho quy hoạch xây dựng, đẩy nhanh quy trình thủ tục đầu tư, lựa chọn các nhà thầu có năng lực”, đồng chí Vũ Văn Cấp ý kiến.
Đồng tình với ý kiến trên, có đại biểu đề xuất tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ điều chỉnh các quy định theo hướng các công trình dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa ít; các dự án ít ảnh hưởng môi trường trong quá trình thi công và vận hành dự án thì không phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Có thể cho phép lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện cho rằng cần tháo gỡ một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có việc quy định về điều kiện được bố trí tái định cư; có thêm cơ chế hỗ trợ để việc bố trí tái định cư được thực hiện theo đúng phương châm địa điểm tái định cư tốt hơn hoặc bằng chỗ ở cũ.
Đồng chí Trần Hồ Đăng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Dương cũng cho rằng tỉnh cần quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đồng chí cho biết thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc áp dụng các quy định trong bồi thường, hỗ trợ mặt bằng theo hướng bảo đảm quyền lợi tối đa cho người dân đã tạo đồng thuận, thuận lợi trong giải phóng mặt bằng. Hiện nay tỉnh đang thu hút đầu tư nhiều dự án trong khu vực trung tâm TP Hải Dương. Dự kiến để thực hiện các dự án cần phải quan tâm đến vấn đề bố trí tái định cư cho người dân để giải phóng mặt bằng. “Nếu việc bố trí tái định cư sát với nguyện vọng của người dân thì sẽ tạo thuận lợi để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án”, đồng chí Trần Hồ Đăng nêu ý kiến.
PV