Đúng lúc bà Năm nghỉ hưu thì cô con dâu ở thành phố sinh đứa con thứ hai, đứa thứ nhất chuẩn bị vào lớp một.
Con trai bà thì đi làm từ sáng đến tối, không có thời gian giúp vợ. Ông bà thông gia lại già yếu, mắt mũi kèm nhèm, chỉ quanh quẩn trong nhà, mọi sinh hoạt còn phải nhờ đến con cháu. Vì vậy, bà Năm quyết định khăn gói lên thành phố để chăm sóc con dâu trong thời gian ở cữ. Lúc đầu, bà cũng chỉ định ở đó một tháng, khi các con thuê được người giúp việc thì bà về quê với chồng nhưng dần dà bà không dứt ra được.
Cháu lớn vốn được nuông chiều nên giờ có em mà vẫn quấy mẹ. Đứa bé thì “ngủ ngày cày đêm” nên nhiều đêm bà Năm phải thức trắng để bế cháu, dỗ cháu cho con dâu ngủ. Chợ búa, cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa... bà Năm kiêm tất. Bà cứ làm luôn chân luôn tay mà cảm thấy chả lúc nào hết việc. Chưa giặt xong đống tã lót của đứa bé thì đứa lớn đã đổ tung một thùng đồ chơi ra khắp nhà. Đang nấu cơm thì con dâu nhờ pha sữa... Hễ bà làm chưa đúng ý là cô con dâu lên tiếng bắt bẻ: “Mẹ phải pha sữa thế này này”, rồi thì “Mẹ nấu ăn mặn quá, lần sau mẹ giảm muối đi”, “Đồ chơi của cu Bin mẹ cất ở góc kia kìa”, “Tắm cho cháu mà mẹ cứ mơn mơn thế kia thì sạch làm sao được”, rồi thì “Cái yếm màu hồng của cháu mẹ để đâu?”, “Bộ đồ ngủ của con mẹ cất ở chỗ nào?”... Lúc đầu bà Năm không chỉ thấy khó chịu mà còn cảm thấy rất mệt mỏi, cảm giác đầu óc lúc nào cũng quay như chong chóng. Bà cứ tưởng được nghỉ hưu là nhàn hạ, nào ngờ tất bật hơn cả người có con mọn. Con dâu thì tỏ ra là người hiện đại, hơi một tý là mở máy điện thoại, gõ Google và bắt bà làm y như mạng. Có lúc bà dỗi, định bỏ về song nghĩ đi nghĩ lại, vì thương con thương cháu, bà đành bỏ qua. Bà chỉ mong con trai sớm tìm được người giúp việc để con dâu bà dễ bề sai khiến.
Nhưng chuyện tìm người giúp việc không hề đơn giản một chút nào. Ba tháng bà ở nhà con trai, trải qua bốn lần huấn luyện cho người giúp việc mà đến giờ vẫn chưa thuê được ai ưng ý. Người nhanh nhẹn, biết việc thì đòi yêu sách được đi chợ. Con dâu bà Năm phát hiện món gì người đó cũng ghi tăng gấp rưỡi, gấp đôi nên không đồng ý, cho thôi việc luôn. Người thật thà, yêu trẻ thì vụng về không biết đi xe đạp, không thể đưa đón cu Bin đi học được, cho đứa bé uống sữa cũng để bị sặc. Người thì nóng tính, hễ vắng mặt bà Năm và con dâu bà là đánh cu Bin bồm bộp mỗi khi nó nghịch ngợm, khiến nó khóc sưng cả mắt. Người thì kể nghèo kể khổ, mới làm được hai tuần đã xin bao nhiêu đồ dùng, quần áo và tiền lương tạm ứng, xin cả tiền tàu xe để về quê “giỗ chồng” rồi lặn mất tăm mất tích. Con trai bà Năm vừa nhờ người quen giới thiệu, vừa đến trung tâm giới thiệu việc làm, vừa về quê tìm người phù hợp nhưng kết quả thì bà Năm vẫn phải làm “Ô sin” cho con.
Khi cháu bé được vài tháng tuổi, con dâu có thể tự thân vận động, bà về quê “nghỉ phép” mấy ngày. Biết chồng ăn đồ để tủ lạnh cả tuần, bà thương lắm nhưng không biết làm thế nào. Lại còn những lúc trái gió trở trời, bà cứ đi vắng suốt thì ông biết trông cậy vào ai. Cô con gái lấy chồng ở xa cũng không về thăm bố thường xuyên được. Biết bà Năm về, hàng xóm sang chơi cứ bô bô: “Tôi mà là ông Năm, tôi không cho bà đi đâu hết. Mình có tuổi rồi, con cái chẳng phục vụ mình thì thôi, lại còn bắt mình đi làm Ô sin cho chúng nó”. Nghe vậy, bà Năm cũng chạnh lòng nhưng chồng bà liền thủng thẳng đáp lời: “Ôi dào, bây giờ không ít cha mẹ muốn làm Ô sin cho con mà chẳng được đấy. Khối người chạy chữa khắp nơi mà đã sinh con đẻ cái được đâu”. Hàng xóm gật gù: “Phải đấy! Phải đấy... Thôi thì làm Ô sin cho con cũng là một niềm hạnh phúc, bà Năm ạ!”
Sau mấy ngày nghỉ ngơi ở quê, được chồng động viên, bà Năm lại tiếp tục lên thành phố “giúp việc” cho con. “Trẻ mới cần cậy cha, cậy mẹ. Với lại người giúp việc có tốt đến mấy cũng không bằng ông bà trông con trông cháu”, bà cảm thấy thanh thản, nhẹ lòng khi nhớ đến lời ông dặn.
TRẦN THỊ LÀNH