Chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,3-0,5 điểm %, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng lên xấp xỉ 7%/năm.
Theo biểu lãi suất mới nhất áp dụng tại BacABank, nhà băng này đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân với hầu hết kỳ hạn gửi từ 1 tháng cho tới hơn 12 tháng.
Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tại nhà băng này đã được nâng từ 3,7%/năm lên 3,8%/năm, tương đương mức tăng 0,1 điểm %. Tương tự, các kỳ hạn gửi 6 đến 11 tháng được điều chỉnh tăng 0,2 điểm %, hiện phổ biến ở mức 6,1-6,3%/năm.
Với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng gửi tiền tại BacABank hồi đầu năm được hưởng mức lãi suất 6,3%/năm thì đến nay đã được hưởng mức lãi 6,6%/năm.
Cũng theo biểu lãi suất mới nhất lần này, BacABank đã tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân với các kỳ hạn trên 12 tháng lên 6,8%/năm, cao hơn tương ứng 0,3 điểm % so với đầu năm.
Lãi suất tiền gửi đang tăng tại một số ngân hàng thương mại cỡ vừa. Ảnh: Hoàng Hà.
Loạt ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi
Thực tế, BacABank không phải nhà băng duy nhất tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ đầu năm, hiện nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã tăng mạnh biểu lãi suất này trong 2-3 tháng đã qua.
Cụ thể, biểu lãi suất áp dụng tháng 3 của OCB cũng ghi nhận mức tăng 0,2-0,3 điểm % ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại nhà băng này hiện ở mức 5,4%/năm, cao hơn 0,2 điểm % so với đầu năm. Các kỳ hạn 7-9 tháng cũng được OCB điều chỉnh tăng tương tự, hiện ở mức 5,6%/năm.
Với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng này hiện đưa ra mức lãi suất 6,1%/năm với tiền gửi tại quầy và 6,5%/năm với tiền gửi online, cao hơn 0,2 điểm %.
Ở các kỳ hạn dài, mức lãi suất cao nhất OCB đang áp dụng là 6,35%/năm với kỳ hạn 36 tháng (tại quầy). Trong khi đó, nếu gửi online, mức lãi suất khách hàng được hưởng sẽ là 6,75%/năm, cao hơn 0,3 điểm % so với đầu năm.
Tại SCB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tại ngân hàng này đã được điều chỉnh tăng từ mức 3,85-3,95%/năm đầu năm lên 4%/năm hiện tại. Trong khi đó, các kỳ hạn 6-11 tháng hiện phổ biến ở 5,9-6,6%/năm, cao hơn 0,3 điểm %.
Ở kỳ hạn 12 tháng và dài hơn, ngân hàng này hiện đưa ra mức lãi suất lên tới 7%/năm và là một trong những nhà băng niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay..
Theo khảo sát, nhiều ngân hàng thương mại khác trong hệ thống cũng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất trong 2 tháng gần đây như Techcombank, VPBank, MSB, LienVietPostBank, HDBank, Saigonbank, ACB… Trong đó, xu hướng tăng lãi suất chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn 6-12 tháng với mức tăng 0,1-0,5 điểm %.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank, các nhà băng này tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi không đổi so với cuối năm 2021.
Hiện lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tại nhóm ngân hàng này phổ biến ở mức 3,1-3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 4%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,3-5,6%/năm.
Lãi suất còn tăng
Tuy các ngân hàng quốc doanh đã không tăng lãi suất tiền gửi trong nhiều tháng, nhưng việc các ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất từ cuối năm 2021 đến nay đã giúp dòng tiền gửi của người dân quay trở lại ngân hàng.
Theo số liệu của NHNN, số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đến cuối tháng 1 năm nay đã đạt hơn 5,403 triệu tỷ đồng, tăng 1,95% so với cuối năm 2021. Mức tăng trưởng này tương đương với việc có hơn 103.000 tỷ đồng được người dân mang gửi thêm vào ngân hàng chỉ trong một tháng.
Mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ tháng 1/2021 và là mức tăng cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.
Các chuyên gia phân tích tại SSI Reseach cũng cho biết trong những tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã tăng 0,1-0,5 điểm % lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn hoặc 1 năm.
Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mại cũng được sử dụng nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân, trong đó mặt bằng lãi suất thông qua kênh gửi tiền online hiện cao hơn 0,2-0,3 điểm % so với kênh gửi truyền thống.
Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay thực tế đã chạm đáy trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ có xu hướng nhích tăng. Trong đó, mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng phục hồi trở lại cũng khiến nhu cầu vốn các ngân hàng tăng lên, từ đó đẩy lãi suất tiền gửi đi lên. Theo số liệu từ NHNN, đến ngày 10.3, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 3,11%, cao hơn khoảng 2 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái và 0,6 điểm % so với mức tăng trưởng ghi nhận vào 25.2.
Trong kịch bản cơ sở, SSI Research dự báo lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,2-0,25 điểm % trong nửa cuối năm nay.
Theo Zing