Những biến động của giá cả, tiền tệ, tỷ giá cùng với lạm phát đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là lãi suất cho vay ngày càng tăng, khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh "đứng ngồi không yên" vì chi phí đầu vào bị đẩy lên cao.
|
Hiện nay, các ngân hàng đều tăng lãi suất để huy động vốn |
Những biến động của giá cả, tiền tệ, tỷ giá cùng với lạm phát đang có chiều hướng gia tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt là lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang ngày càng tăng, khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh "đứng ngồi không yên" vì chi phí đầu vào bị đẩy lên cao.
Từ đầu tháng 11 đến nay, hàng loạt các ngân hàng trên địa bàn đã bước vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, dẫn đến lãi suất cho vay cũng liên tục thiết lập ở mặt bằng mới; nhiều ngân hàng hiện đang áp dụng mức cho vay tới 17%, thậm chí 18% /năm. Điều đáng lưu ý, lãi suất càng cao thì các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó vay, thậm chí không dám vay. Trao đổi với chúng tôi về tỷ giá, lãi suất ngân hàng, ông Phạm Văn Tý, Giám đốc Công ty TNHH Phú Tân (doanh nghiệp chuyên sản xuất xi – măng trên địa bàn huyện Kinh Môn), cho biết: Năm 2010 là năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp, ngay từ đầu năm, một loạt chi phí đầu vào như điện, than, nước tăng giá thì hiện nay doanh nghiệp lại phải đối mặt với lãi suất ngân hàng tăng khiến doanh nghiệp đã khó lại khó hơn, nhất là dịp cuối năm các doanh nghiệp đang dồn sức để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trước đây, doanh nghiệp của ông Tý vay vốn với lãi suất trung bình 12 – 13%/năm. Đây là mức lãi suất có thể chấp nhận được, vì lãi suất thường chiếm khoảng 30 – 40% lợi nhuận của doanh nghiệp.
Khó khăn về lãi suất, tỷ giá, giá nguyên liệu tăng… khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng đầu tư các dự án mới để cân đối lại nguồn vốn, tránh rơi vào tình trạng phá sản. Với hoạt động xuất, nhập khẩu, đây cũng là thời điểm chạy nước rút để thực hiện các đơn hàng, hoàn thành kế hoạch năm nhưng với mức lãi suất tăng cao như hiện nay, doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc không hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm. Đại diện lãnh đạo Công ty CP Sản xuất thức ăn chăn nuôi Vina, cho biết: Là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ tiêu thụ trong nước, hầu hết các nguyên liệu chính đều phải nhập khẩu, nhưng thời gian qua tỷ giá giữa USD/VNĐ biến động, tiền đồng mất giá khiến doanh nghiệp phải bù lỗ rất nhiều. Thời điểm này lại điều chỉnh lãi suất vay vốn. Lãi suất tăng cao khiến doanh nghiệp phải cân đối lại các khoản vay, rà soát lại các danh mục đầu tư để có kế hoạch cụ thể. Lãi suất ở mức 17 – 18% là mức quá cao, nếu các ngân hàng không điều chỉnh giảm thì doanh nghiệp khó có được lợi nhuận như kỳ vọng và năm 2011 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng chung nỗi lo lãi suất ngân hàng tăng, ông Đỗ Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Hợp Thành, đơn vị chuyên sản xuất, lắp ráp các loại thùng xe ô-tô, cho biết: Bên cạnh việc tăng giá điện, nước, xăng dầu… thì lãi suất ngân hàng luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp, với việc thực hiện lãi suất theo cơ chế thị trường và các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng như hiện nay thì doanh nghiệp không đủ sức để trả lãi ngân hàng chứ chưa nói đến làm ăn có lãi.
|
Nhiều doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãisuất 17 - 18%/năm |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề lãi suất ngân hàng trong thời gian gần đây, ông Bùi Xuân Như, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) bắc Hải Dương cho biết: Hiện nay, các ngân hàng đang áp dụng lãi suất theo cơ chế thị trường, ngân hàng tự quyết định mức lãi suất huy động và cho vay vừa giúp tăng giá trị tiền đồng, vừa góp phần vào mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế lãi suất này đã tạo ra một “làn sóng” tăng lãi suất cả huy động và cho vay trong thời gian gần đây, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần. Đối với BIDV bắc Hải Dương, lãi suất huy động đang áp dụng ở mức 12% ở hầu hết các kỳ hạn, tuy nhiên hiện nay nhiều ngân hàng TMCP đã đẩy lãi suất tới 14%/năm, vì vậy để giữ chân khách hàng, chắc chắn BIDV bắc Hải Dương cũng sẽ phải tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động. Còn lãi suất cho vay thì áp dụng với từng đối tượng khách hàng; khách hàng là doanh nghiệp có uy tín, mức lãi suất áp dụng là 15,2 – 15,5%/năm; khách hàng tư nhân, cá thể ở mức 16,2 – 16,5%/năm; còn mức cho vay tín chấp hiện đang ở mức 17%/năm.
Theo quan sát của chúng tôi, trong những ngày đầu tháng 12 này, các ngân hàng trên địa bàn hiện vẫn đang tiếp tục chạy đua lãi suất huy động cả với VNĐ, USD. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động niêm yết trên thị trường đã lên tới 14%/năm. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu huy động 14%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng, các kỳ hạn khác cũng ở mức 13,9 – 13,95%/năm. Các ngân hàng TM CP Đông Nam Á (SeaBank), OceanBank, VIB… tiếp tục có biểu lãi suất huy động mới và kèm theo rất nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà, tặng lãi suất cho khách hàng gửi tiền. Nhiều ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất huy động thỏa thuận với các khách hàng khi có số lượng tiền gửi lớn…
Theo nhận định, lãi suất huy động vẫn tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh hằng ngày thì đương nhiên lãi suất cho vay sẽ còn tăng và điều này sẽ tiếp tục là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
PV