Ký ức Tết mùng 5 tháng 5

22/06/2023 06:40

Ngót nghét hai phần ba thế kỷ, nhưng nghĩ tới Tết mùng 5 tháng 5 với tôi lại bồi hồi bao kỷ niệm!

Tháng Giêng có Tết Nguyên đán, tháng ba có Tết Thanh minh…
Rồi bọn trẻ con chúng tôi lại háo hức đợi chờ. 

Cứ đến bữa cơm, mẹ tôi bảo: Các con học hành ngoan ngoãn, sắp đến tết này được ăn “cái rượu” và hoa quả để giết sâu bọ. Đứa em gái còn háo hức hơn vì nó rất thích được nhuộm đỏ móng tay, móng chân bằng lá móng, được đeo “túi bùa” thêu bằng chỉ ngũ sắc có hình trái đào, quả khế ở trên cổ. Đã đến tuổi xâu lỗ tai, để được đeo khuyên bạc như chúng bạn, em đã nhắc mấy lần, nhưng mẹ đều bảo, phải chờ đến mùng 5 tháng 5 mà xâu, mới chóng lành không bị nhiễm trùng? Em trai út gần một tuổi, mẹ cũng không quên bôi tí hồng hoàng (một vị thuốc có màu đỏ pha vàng) vào thóp, vào ngực, vào rốn… Mẹ bảo, làm như thế là để trừ tà, trừ bệnh tật, dễ nuôi! 
Nhưng thú vị nhất là đợi đến trưa ăn cỗ, được gặm chân gà.
Còn tinh mơ, mẹ đã gọi con dậy ăn sáng. Nhà nghèo, đông anh em, việc ăn sáng ngày ấy thường có gì ăn nấy: Đứa cạy miếng cháy còn sót cạnh nồi bữa trước, đứa ăn mẩu sắn, củ khoai, bắp ngô… Nhưng sáng nay khác hẳn. Mỗi người được chia lưng bát “cái rượu” mầu tím thẫm, rất mềm, thơm phưng phức, ngọt lừ. Đấy là rượu nếp cẩm, mẹ đã tự tay nấu cơm nếp, để nguội rồi giã men ủ từ mấy hôm rồi. Lại thêm quả mận, quả táo. Còn nhớ có năm, cây vải thiều đầu ngõ chín đúng mùa, mẹ vặt mấy chùm biếu ông bà, đặt lên bàn thờ cúng cụ, còn chia cho mọi người. Sướng lắm!

Tôi để ý, khoảng 12 giờ trưa, sau khi hạ mâm cỗ cúng gia tiên, cả nhà ăn uống xong xuôi, thì mẹ tôi bưng rổ đi hái lá làm thuốc. Cũng vẫn chỉ nắm lá tre, lá tía tô, lá dâu, ngải cứu, nhưng mẹ cho rằng phải hái lá cây trong ngày hôm nay sẽ công hiệu hơn.


Cái rượu nếp cẩm

Ngồi giữa nhà chọn lá thuốc, bà nội khẽ khàng kể chuyện ngày xưa: Tục hái thuốc mùng 5 cũng bắt đầu từ giờ Ngọ. Người ta bảo đó là giờ có dương khí tốt nhất trong năm. Không hiểu có sức mạnh kỳ diệu nào của trời đất hay linh khí của nhật nguyệt tụ dồn trong những lá cây cỏ thu hái được, có tác dụng chữa bệnh rất là công hiệu? Nhất là đối với các chứng ngoại cảm, âm hư. Bà nội bảo: Mẹ các cháu hái lá mùng 5 thế này còn thiếu, bởi vì nhà ta vườn hẹp, có ít loài cây cỏ. Nếu đầy đủ ra, phải có nhiều hơn nữa, có khi tới gần trăm loại cơ đấy. Chẳng hạn, lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi. Đến cả lá trầu không, cây sài đất, lá bồ công anh, lá sen, lá nhọ nồi đều quý... Đây toàn là cây cỏ trên vườn, ngoài ruộng ai ai cũng quen thuộc cả. Tất cả băm ra đem ủ rồi phơi khô, nấu uống dần vừa mát vừa lành.

Hỏi, sao gọi là  "Tết giết sâu bọ", bà cười: Nghe người xưa truyền lại?
Đúng là thế. Truyền thuyết kể  rằng: Có một năm, vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, nhà nông sau vụ mùa bội thu, thì sâu bọ tự nhiên bùng nở tràn lan. Các loài sâu bọ tàn phá ruộng vườn xơ xác, chẳng có cách nào diệt trừ. Rồi bỗng nhiên một ông già râu tóc bạc phơ từ xa đi tới, ông chỉ cho dân mỗi nhà lập một đàn cúng, gồm bánh tro, trái cây đương mùa. Dân chúng làm theo, bỗng chốc sâu bọ từng đàn lũ lượt lăn ra chết rũ rượi. Ông già còn dặn: “Nếu sâu bọ vẫn hoành hành, thì đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn, sẽ trị được chúng...”.

Dân chúng trong vùng sung sướng đang tìm cách tạ ơn, thì ân nhân đã đi đâu tự bao giờ, chẳng ai biết... 
Để tưởng nhớ, dân làng bảo nhau lập đàn cúng tế ân nhân coi như vị thần đã hiển linh giúp dân thoát dịch họa, bảo vệ mùa màng và lâu dần thành tục lệ, thành tết -  "Tết giết sâu bọ", hay là Tết mùng 5 tháng 5.

Từ xa xưa, người ta đã nghĩ rằng, trong một năm đây là giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết khí, nên sâu bọ, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, lũ ký sinh trùng sâu bọ nằm trong bụng người ngoi ra gây hại, gặp những thức ăn như nếp cẩm (cái rượu) và những trái cây có vị chua, cay, chát… sẽ bị diệt trừ. Thế nên Tết mùng 5 tháng 5 thường có mận, táo, xoài, nổi bật là rượu nếp cẩm. 

Nhưng dân gian còn gọi là Tết Đoan ngọ. Người ta cắt nghĩa rằng: "Đoan" nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là thời gian từ 11-13 giờ, giữa trưa. Ăn Tết Đoan ngọ là ăn bữa trưa…
Rồi cũng từ xung quanh Tết Đoan ngọ, đã xuất hiện nhiều tục lệ có ý nghĩa nhân văn... Bà nội kể: Trước ngày nước nhà độc lập (ý là trước năm 1945) làng tôi vẫn còn tục lễ sêu. Những chàng trai đã hỏi vợ hoặc dạm ngõ nhưng chưa cưới thường đi sêu nhà bố mẹ vợ. Lễ sêu cũng đơn giản, nhưng phải có đôi ngỗng, vài chục con chim ngói. Kèm thêm là cân đường cát, trái dưa hấu quê nhà.

Thầy đồ xưa thường không lấy tiền học của ai, nhưng cứ vào dịp này, học trò đều sắm đồ lễ tết thầy. Nào là thúng gạo, lạng chè, phong bánh hoặc túi hoa quả, tùy tâm bố mẹ. Học trò cũ có người đã làm nên danh vọng cũng không quên kính cẩn thǎm thầy. Con bệnh “thập tử nhất sinh” được thầy lang cứu thoát khỏi lưới hái thần chết, dịp Tết Đoan ngọ (còn gọi là tết hái thuốc) cũng có quà tết để tri ân...

Cuộc sống thời hiện đại như dòng nước cuồn cuộn chảy, mấy ai còn nhớ tới hái lá thuốc mùng 5? Các em gái có ai còn mong ngóng chờ đến Tết mùng 5 để được nhuộm đỏ móng chân, móng tay bằng lá móng? Có anh trai nào đi chợ sắm đôi ngỗng béo và mua được chim ngói để làm lễ sêu cho bố mẹ vợ tương lai? 

Dẫu qua bao nhiêu “bãi bể nương dâu”, đổi thay chính sự, trong tâm thức người Việt thì Tết Đoan ngọ, Tết mùng 5, Tết “giết sâu bọ” tuy tên gọi có khác, nhưng vẫn tồn tại là một phong tục đẹp, với ý nghĩa thiêng liêng về đạo lý làm người.

Năm nay bà nội và mẹ tôi đã thành người thiên cổ rất lâu rồi, nhưng hình ảnh, ký ức về Tết mùng 5 - Tết Đoan ngọ vẫn như nguyên mới. Và mỗi lần nhớ đến Tết mùng 5, lại bồi hồi nhớ về ký ức tuổi thơ.

Thiên Gia Trang 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức Tết mùng 5 tháng 5