Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) có thể tồn tại lâu trong chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi.
Cơ sở chăn nuôi nên tái đàn từng bước với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở
Nếu người chăn nuôi sát trùng không đúng kỹ thuật, mầm bệnh có thể vẫn còn, lây bệnh cho lứa sau. Vì vậy, cần tăng cường vệ sinh, tiêu độc sát trùng toàn bộ dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại, khu vực xung quanh liên tục trong vòng 1 tháng sau khi đàn lợn bị tiêu hủy theo kỹ thuật sau:
1. Vệ sinh sát trùng bên trong chuồng trại
- Quét dọn, thu gom toàn bộ rác, chất thải chăn nuôi, chất độn chuồng để tiêu hủy bằng cách đốt. Các loại thức ăn, thực phẩm, thanh chắn gỗ, giàn mát... ở trong trại xảy ra dịch bệnh cũng phải tiêu hủy.
- Phun sát trùng định kỳ 1 lần/ngày toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh, nhà ở công nhân… trong 1 tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.
- Tất cả dụng cụ chăn nuôi phải được vệ sinh sát trùng kỹ lưỡng để hạn chế tối đa dịch bệnh tái bùng phát cho lứa sau.
- Vệ sinh tất cả bề mặt của xe như thùng xe, bánh xe, gầm xe, hai bên hông xe… bằng xà phòng. Sử dụng vòi phun có áp lực cao phun sạch các bề mặt và chờ khô. Sau đó phun thuốc khử trùng toàn bộ bề mặt xe.
2. Vệ sinh sát trùng xung quanh trại
- Phát quang toàn bộ cây, cỏ trong trại và khu vực xung quanh trại. Rải vôi bột hoặc sử dụng dung dịch vôi 1% phun toàn bộ khu vực xung quanh chuồng nuôi và bên ngoài trại.
- Nước trong ao hồ phải được xử lý bằng vôi với liều 1%. Nhưng để bảo đảm hiệu quả, người chăn nuôi cần xác định thể tích nước trong hồ để tính toán đúng liều lượng cần sử dụng.
- Đối với hệ thống biogas cần thường xuyên theo dõi hoạt động và nhiệt độ của hầm biogas, bảo đảm luôn hoạt động tốt với nhiệt độ bên trong hầm biogas ở giai đoạn sinh khí methane là 55 độ C. Ở nhiệt độ này có thể tiêu diệt được nhiều mầm bệnh có trong phân.
- Tiêu diệt động vật mang trùng như ruồi, muỗi, chuột và các loại côn trùng khác.
3. Tiến hành tái đàn sau khi vệ sinh tiêu độc
- Sau 15 ngày khi đã vệ sinh, tiêu độc chuồng trại xong, tiến hành vệ sinh tiêu độc lần 2. Sử dụng thuốc sát trùng phun toàn bộ khu vực chuồng nuôi và khuôn viên trại.
- Trong thời gian này, người chăn nuôi nên đóng kín cửa chuồng. Với những trại chăn nuôi theo mô hình chuồng hở, khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi sang mô hình chuồng kín nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lây lan từ bên ngoài vào trại.
- Phun thuốc sát trùng toàn bộ hệ thống chuồng trại và khuôn viên trại trước khi nhập lợn về 30 ngày. Cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn.
- Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, lấy mẫu để xét nghiệm virus bệnh tả lợn châu Phi. Nếu xét nghiệm có kết quả âm tính với bệnh tả lợn châu Phi mới được tái đàn 100% tổng đàn.
- Trước khi thả lợn 1 ngày để tái đàn 100% cần phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại và khuôn viên trại.
PV (tổng hợp)