Hiện nay, nghề nuôi vỗ béo bò thịt đã mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi. Người chăn nuôi cần nắm rõ các kỹ thuật sau:
Các hộ chăn nuôi cần nắm rõ kỹ thuật nuôi bò vỗ béo để đạt hiệu quả cao
1. Làm chuồng
- Mỗi con bò nuôi vỗ béo cần diện tích từ 4 - 6 m2 chuồng. Chuồng xây theo hướng nam hoặc đông nam. Máng ăn và uống của bò nên làm bằng xi măng, đặt theo chiều dài hành lang chuồng để tiện cho việc phân phối thức ăn. Có hố ủ phân hoặc hầm biogas, có cây xanh để chống nắng vào mùa hè.
- Chuồng bò cần thoải mái để bò có thể lấy thức ăn dễ dàng. Nên vệ sinh chuồng vào mỗi buổi sáng sớm để bảo đảm bò luôn được sạch sẽ.
2. Chọn giống
- Nên chọn bò đực vì tăng trọng nhanh hơn bò cái. Không chọn những con quá già vì khả năng tăng trọng chậm hoặc mắc bệnh.
- Chú ý: Các giống bò lai phát triển nhanh hơn các giống bò địa phương.
3. Chăm sóc
- Tẩy giun sán cho bò trước lúc vỗ béo để bò hấp thu tốt chất dinh dưỡng.
- Tiêm phòng vaccine đầy đủ như bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng... theo hướng dẫn của ngành thú y. Thức ăn, nước uống phải bảo đảm sạch sẽ.
4. Thức ăn
- Thức ăn thô xanh: Thức ăn thô dùng vỗ béo tốt nhất là cỏ khô, cỏ ủ chua và thức ăn xanh, ngoài ra có thể sử dụng rơm ủ ure hoặc không ủ. Tất cả các loại thức ăn này đều được băm nhỏ từ 3 - 5 cm rồi trộn đều với thức ăn tinh khi cho ăn.
- Thức ăn tinh: Các loại hạt ngũ cốc, họ đậu, cám gạo... và các loại khô dầu, thức ăn hỗn hợp. Hạt ngũ cốc trước khi cho ăn phải nghiền nhỏ rồi trộn đều với thức ăn khác. Tùy theo nguồn thức ăn vỗ béo mà có thể bổ sung bột xương hay khoáng với tỷ lệ 1% khối lượng khẩu phần. Riêng muối ăn nên cho thêm vào khẩu phần mức 0,5 - 1% để kích thích tính ngon miệng.
- Chú ý: Phải tập dần cho bò quen với thức ăn mới, sau đó cho ăn thức ăn vỗ béo.
5. Thời gian vỗ béo
- Thời gian vỗ béo là 2-3tháng trước khi bán. Nếu dưới 2 tháng, bò chưa hết khả năng tăng trọng, còn nếu kéo dài trên 3 tháng thì nuôi sẽ bị lỗ vì khối lượng bò tăng không nhiều.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia