Kể từ khi có sách, mọi hiểu biết của nhân loại đều được gửi gắm, gìn giữ trong những trang sách.
Sách ghế ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)
Không chỉ lưu trữ kiến thức, người ta cũng dùng sách để giải trí, thể hiện tư tưởng, sự sáng tạo, hoài niệm… cũng như hướng tới tương lai tốt đẹp nhờ sức mạnh của tri thức.
Để ca ngợi ý nghĩa, vai trò của sách, ở nhiều nơi các nghệ sĩ đã làm khá nhiều tác phẩm là tượng đài về sách. Từ năm 2007, ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã xuất hiện hàng loạt ghế tựa có hình những cuốn truyện, thơ và đặt trên các sân ga, quảng trường, lối đi trong công viên. Ngoài tiêu đề rất to, gồm cả tên sách lẫn tác giả, chúng còn có bề mặt của hai trang sách mở rộng, chứa những bài thơ, lời văn và cả những câu nói để đời của tác giả. Có ít nhất 18 thi hào Thổ Nhĩ Kỳ như Can Yucel, Ilhan Berk, Orhan Veli Kanik... đã có sách được dựng thành ghế. Đây là ý tưởng táo bạo của TP Istanbul nhằm vừa quảng bá du lịch, môi trường xanh, sạch, vừa tán dương nền văn học và các cây bút nổi tiếng.
Sách cây trí tuệ tại Thư viện công cộng thung lũng Oro, Arizona (Mỹ)
Đài phun nước Amelia Valerio Weinberg, thuộc Thư viện công cộng Cincinnati - Ohio (Mỹ), dưới dạng hai chồng sách, cũng đã ra đời từ năm 1990 và để tưởng nhớ tới một người có công đối với ngành giáo dục. Lấy cảm hứng về một núi sách, cũng như một dòng suối tuôn trào tri thức, nghệ sĩ Michael Frasca đã làm thác nước này với những cuốn sách bê tông, ốp gốm có màu nâu và họa tiết như thể gáy sách da thú thật. Tọa lạc trên quảng trường Vine Street trước thư viện, nó khiến ta liên tưởng tới nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhưng đều đổ về trong một ngôi nhà tri thức. Tại đó, học viên dễ dàng tiếp cận với đủ loại thông tin mà không cần phải tìm kiếm ở đâu nữa.
Vẫn cảm hứng này, một quyển sách cộng với một cây cao bóng cả - Cây trí tuệ là bức tượng đồng tại Thư viện công cộng thung lũng Oro, Arizona (Mỹ), mà tác giả là Joe A, Tyler - một nghệ sĩ lừng danh vùng sa mạc Sonoran. Tượng có hình dạng độc đáo của một cây cổ thụ bám rễ hay vươn lên từ một ấn phẩm, trên hai trang giấy còn ghi dòng chữ: "Càng đọc, càng hiểu biết. Càng hiểu biết, càng lớn mạnh". Có thể nói nó ví kiến thức như một cái cây, mỗi lúc một cao và con người có hiểu biết mỗi ngày cũng một trưởng thành.
Tượng đài sách ở Đại học Georgia, Atlanta (Mỹ)
Nhân dịp giải FIFA World Cup năm 2006 tại Đức, một công ty quảng cáo đã chào mừng du khách đến đây bằng 6 pho tượng, thể hiện cho 6 lĩnh vực mà Đức dẫn đầu thế giới, xứng danh với tên gọi Mảnh đất của những ý tưởng. Trong đó có tượng Kỹ thuật in hiện đại, đề cao phương pháp in chữ rời của nhà phát minh Johannes Gutenberg. Vào năm 1450, tại Mainz, ông đã làm được một loạt sách đầu tiên bằng chữ rời, đó là cuốn Kinh Gutenberg - ấn phẩm bán chạy nhất lúc đó và đắt nhất hôm nay với số lượng ban đầu chỉ có 180 bản, hiện chỉ còn 48 bản. Tượng thép cao 12 m, nặng 35 tấn, là một tập sách gồm 17 cuốn, ở từng gáy khắc tên từng cây bút lỗi lạc của Đức, từ Goeth tới Hesse, Boll, Marx, từ anh em nhà Grimm tới Hannah Arendt, người phụ nữ duy nhất được xướng danh. Nó được đặt trên quảng trường Bebelplaz, đối diện Đại học Humboldt, trung tâm đào tạo đông nhất Berlin. Bebelplatz chính là nơi ngày 10.5.1933, phát xít Đức đã đốt trụi 20.000 quyển sách, để lại tiếng xấu về phá hoại văn hóa. Tượng do vậy là một sự chuộc lỗi trước sách và tưởng nhớ những nhà bác học đã bị sát hại trong Đại Thế chiến.
Không có mục đích nào quá cao, nếu ta vươn đến bằng niềm tin và sự cố gắng, là thông điệp mà một tượng đài sách ở Đại học Georgia, Atlanta (Mỹ) nhắn nhủ tới các sinh viên. Tượng đồng này ra đời năm 1995, do nghệ sĩ George Beasley đúc và làm thành một vòng cung cao 5,2 m, đặt trên một trụ đá đôi bên cao 0,6 m, với ngụ ý như một cây cầu tri thức - cổng khải hoàn và gồm 15 bậc, mỗi bậc là một cuốn sách như 15 nấc thang thành công. Tổng cộng có 27 quyển trong tác phẩm, cho thấy một con số đẹp, viên mãn và sự chắc chắn. Nó như một phép ẩn dụ, nói về việc học lên mãi, đi từ kiến thức này sang kiến thức khác để đạt tới vinh quang.
Còn rất nhiều tượng đài sách độc đáo và ý nghĩa khác ở khắp nơi trên thế giới đều với mục đích tôn vinh tri thức mà nhân loại luôn cần trân quý.
CHU MẠNH CƯỜNG