Đến với Côn Sơn - Kiếp Bạc, du khách không chỉ tìm về cõi tâm linh để suy ngẫm "nhân tình thế thái", hướng thiện mà còn để thưởng ngoạn phong cảnh kỳ thú do thiên nhiên ban tặng...
Hồ Côn Sơn
Kỳ thú Côn SơnĐến Côn Sơn, hình ảnh trước tiên du khách cảm nhận là mặt hồ xanh ngắt, núi non trùng điệp, rừng thông ngút ngàn. Được tôn tạo năm 1998, hồ Côn Sơn có diện tích 43 ha không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là một thắng cảnh hấp dẫn. Nằm trong tổng thể khu di tích, hồ Côn Sơn là minh đường, nơi sơn thủy hữu tình, tụ linh, tụ phúc ban phát điều lành. Vào những ngày lễ hội, hồ Côn Sơn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc như: rước nước, đua thuyền...
Có hai đường dẫn vào danh thắng để du khách ngắm hồ Côn Sơn và cảm nhận sự kỳ thú của thiên nhiên ban tặng. Nếu đi theo mé hữu, du khách sẽ gặp rừng thông hàng trăm năm tuổi. Thông ở Côn Sơn là loài thông đuôi ngựa, lá kim, thân thẳng, tán sum suê, mỗi cây như thể linh vật hóa thân chầu về chốn thiêng. Nếu đi theo mé tả, ta sẽ xuyên qua một bãi rễ rộng mênh mang mà ai nấy đều lấy làm lạ. Bãi rễ nằm ở phía nam chân núi Côn Sơn có diện tích khoảng 15 ha như tấm thảm xanh mịn màng trải dưới chân núi. Mùa tiếp mùa, bãi rễ nở hoa, mọc um tùm lên mãi. Tương truyền, vào cuối thế kỷ 14, khi cáo quan về Côn Sơn ở ẩn, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (ông ngoại của Nguyễn Trãi) đã trồng rất nhiều thông ở trên núi Côn Sơn. Sau này, cây lớn tạo thành rừng thông đại ngàn. Còn vợ ông thì cấy rễ phủ lên những vùng đất hoang dưới chân núi. Rồi đời này qua đời khác, rễ mọc lan ra thành bãi bây giờ. Hiện nay, bãi rễ đã được khoanh vùng bảo vệ di sản vật thể về danh nhân Trần Nguyên Đán.
Về tổng quan, Côn Sơn thời Trần thuộc xã Chi Ngãi, huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc, nay thuộc xã Cộng Hoà (Chí Linh), phía nam giáp dãy núi Phượng Hoàng, phía bắc là núi Côn Sơn (hay còn gọi là núi Kỳ Lân hoặc núi Hun), phía đông là dãy Ngũ Nhạc (năm ngọn núi cao), trên 5 đỉnh núi, người xưa xây 5 miếu thờ sơn thần. Hằng năm, vào mùa xuân, người tứ xứ về Côn Sơn lên Ngũ Nhạc để vãn cảnh và cầu phúc, tránh hoạ, mong cuộc sống yên bình.
Núi Côn Sơn có ba đỉnh, trên đỉnh cao nhất có Am Bạch Vân (Bàn Cờ Tiên). Ai về Côn Sơn cũng mong được một lần leo lên đỉnh Bàn Cờ Tiên. Để lên được đến đây phải vượt 3 đỉnh núi với hàng trăm bậc đá. Hiện đường lên còn lưu giữ nhiều bậc đá có niên đại từ nhiều thế kỷ trước. Am Bạch Vân được nhị tổ Pháp Loa xây dựng thời Trần. Ở đây phát lộ nền móng của công trình kiến trúc cổ hình chữ công dùng để tế trời đất, núi sông. Nhân dân gọi là Bàn Cờ Tiên vì tương truyền vào những ngày mây trắng bao phủ, tiên trên trời thường xuống đỉnh núi này đánh cờ. Hiện nơi đây có một nhà bia theo kiểu vọng lâu, hai tầng, tám mái cổ kính. Từ đây phóng tầm mắt ra bốn phía có thể bao quát cả một vùng núi sông hùng vĩ.
Nếu đi theo lối trúc dưới chân núi, du khách sẽ được thưởng ngoạn suối Côn Sơn dài 3 km bắt nguồn từ hai dãy núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc) quanh năm róc rách. Trên dòng suối có hai phiến đá lớn gọi là Thạch Bàn. Thạch Bàn nhỏ có diện tích 70 m2 là nơi Bác Hồ đã dừng chân khi về thăm Côn Sơn ngày 15-2-1965. Thạch Bàn lớn ở phía thượng nguồn rộng trên 200 m2, là nơi những năm ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi thường ngắm cảnh, vịnh thơ. Về với Côn Sơn, ta còn được dừng chân nơi giếng Ngọc trong vắt, chìm đắm trong không gian hư ảo của Thanh Hư Động, cầu Thấu Ngọc nghe tiếng thông reo vi vút.
Non nước Kiếp BạcCôn Sơn đi vào lòng người bởi thiên nhiên kỳ thú. Kiếp Bạc lại quyến rũ du khách với vùng bình địa, chốn sông nước mênh mang. Về đây, du khách sẽ bắt gặp những làng mạc nằm nép bên sườn núi, quần tụ dưới bãi sông như thuở ngàn xưa. Thời Trần, Kiếp Bạc thuộc hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang. Thời Nguyễn thuộc địa phận hai xã Vạn Yên và Dược Sơn, nay thuộc xã Hưng Đạo (Chí Linh). Về địa thế, Kiếp Bạc là một thung lũng rộng, phía tây giáp sông Thương, phía bắc giáp thung lũng Vạn Yên, phía đông nam giáp vùng núi Côn Sơn, Phượng Hoàng. Nơi đây có đền thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người có công lớn trong ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Đền được bao quanh bởi dãy núi rồng hình tay ngai có hai nhánh tiến thẳng ra sông. Nhánh phía bắc là núi Bắc Đẩu, nhánh phía nam là núi Nam Tào, trên hai quả núi có đền thờ Nam Tào, Bắc Đẩu. Từ hai đỉnh núi này, du khách có thể phóng tầm mắt thu lấy một khoảng không gian rộng lớn với làng mạc, xóm thôn san sát, sông nước bao la. Đặc biệt từ đây, ta có thể ngắm nhìn dải đất thiêng Cồn Kiếm nổi lên giữa sông Thương. Phía bắc Kiếp Bạc là núi rừng trùng điệp, nơi có thể giấu hàng vạn quân. Vùng Kiếp Bạc còn có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi nên không chỉ là chốn thiên nhiên trù phú mà còn là vị trí thủy địa trọng yếu. Ở đây, trên chiều dài 10 km là nơi tụ thủy của 6 con sông: Lục Nam, Thương, Cầu, Đuống, Kinh Thầy và Thái Bình nên còn có tên Lục Đầu giang. Thời phong kiến, đây là những con đường chiến lược hiểm yếu đối với giao thương kinh tế, quân sự. Có thể nói, mỗi địa danh, dấu tích, mỗi ngọn núi, nhánh sông ở Kiếp Bạc đều ghi dấu những chiến công oanh liệt của triều đại nhà Trần. Chứng tích hào khí Đông A xưa còn được khắc ghi trên câu đối nổi tiếng trước cổng đền Kiếp Bạc: “Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí/ Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh”. Nghĩa là: Kiếp Bạc muôn ngọn núi đều có hùng khí của kiếm thiêng/Lục Đầu không còn nước nào chẳng vọng tiếng thu”. Sách Cao Biền di cảo và Chí Linh phong vật chí cũng ghi: "Côn Sơn, Kiếp Bạc mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình kỳ dạng, long bàn, hổ cứ, như muôn quân nghìn tướng chầu về... ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời... Chỉ thế mà xét trong trời đất cũng hiếm nơi nào được như Côn Sơn - Kiếp Bạc vậy".
NGỌC HÙNG