SEA Games 2019 sẽ chứng kiến một bộ môn tranh tài “độc”, “lạ”. Các vận động viên sẽ hóa thân thành những “người cá”, tranh tài ở dưới nước bằng chiếc gậy và quả bóng khúc côn cầu.
Bộ môn này mang tên Khúc côn cầu dưới nước (underwater hockey), ra đời vào những năm 1950. Thời đó, để giúp lính lặn cải thiện khả năng di chuyển và làm nhiệm vụ hiệu quả dưới nước trong các tháng mùa đông lạnh giá, Hải quân Anh đã sử dụng cách chơi giống chơi khúc côn cầu nhưng thực hiện ở dưới nước để tập luyện.
Đến năm 1954, Underwater hockey hay còn được gọi với tên “Bạch tuộc”, chính thức được xem là môn thể thao sau khi ông Alan Blake thành lập CLB đầu tiên Southsea Sub-Aqua ở Anh. Từ châu Âu, khúc côn cầu dưới nước mở rộng phát triển sang các nước châu Á và Đông Nam Á.
Khúc côn cầu dưới nước không dành cho những người yếu tim. Các vận động viên mặc đồ lặn, đeo mặt nạ dưỡng khí, chân vịt, cầm gậy, di chuyển với tốc độ cao, chen lấn dưới nước để cố giành quả bóng, đập nó thật nhanh để có thể đưa về cầu môn đối phương. Thi thoảng, các VĐV phải ngoi lên mặt nước để hít thở trước khi lặn xuống lần nữa. Bởi vậy, không chỉ bơi giỏi, VĐV tham gia bộ môn này còn phải có khả năng lặn sâu.
Môn khúc côn cầu dưới nước lần đầu tiên được tổ chức tại SEA Games
Mỗi đội chơi thường có 6 cầu thủ, chơi trong bể nước có diện tích 15x25 m2 và mỗi hiệp đấu kéo dài từ 10-20 phút tùy vào quy tắc của giải.
Tại Philippines, khúc côn cầu dưới nước đã được chơi trong nhiều thập kỷ. Chính bởi vậy, họ đã đưa môn thể thao này vào thi đấu chính thức tại SEA Games với hy vọng giành HCV. Cạnh tranh với đội chủ nhà ở môn thi này có Singapore, Indonesia và Malaysia.
Tại SEA Games, các nước chủ nhà được phép loại bỏ hoặc thêm vào các môn thi đấu. Tại Philippines năm nay, có 4 môn thể thao mới. Ngoài khúc côn cầu dưới nước còn có eSports, Sambo- một môn võ thuật được phát triển ở Liên Xô cũ và Kurash- môn vật có nguồn gốc từ Trung Á.
Theo Thể thao & Văn hóa