Tin tức

Kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 15/1/2024

Theo báo Tin tức 18/12/2023 19:30

Chiều 18/12, tại Phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo một số vấn đề về việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội và bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã “quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất” và “Giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn...”.

Căn cứ quy định nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề xuất về thời điểm cụ thể để trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung trên (tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 hoặc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV).

Đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực 9 Ủy ban và ý kiến của Ban Dân nguyện, trong đó Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để triển khai xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục quy định.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị: Kỳ họp bất thường của Quốc hội thường diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, cấp thiết để đáp ứng ngay đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Do đó, các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường phải đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan, hạn chế tối đa việc trình Kỳ họp bất thường những nội dung có nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau; đồng thời, cũng cần tính toán để bảo đảm thời điểm tổ chức, quỹ thời gian hợp lý trong Kỳ họp cho các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện văn bản trình Quốc hội thông qua theo đúng quy trình, thủ tục quy định, nhất là những dự án, dự thảo lớn, nội dung phức tạp; các đại biểu Quốc hội cũng cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.

Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 1/2024 xem xét có đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua hay không.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6 về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngay sau Phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp rất chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật. Theo đó, đã tập trung hoàn thiện các nội dung lớn của dự thảo Luật theo Thông báo kết luận số 3123/TB-TTKQH ngày 21/11/2023; đồng thời, tiến hành rà soát toàn diện dự thảo Luật lần 1. Kết quả rà soát cho thấy, ngoài những nội dung lớn cần có ý kiến của Chính phủ như đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, còn có một số nội dung khác cần có ý kiến của Chính phủ để làm rõ; một số nội dung Cơ quan chủ trì soạn thảo và các Bộ tiếp tục có ý kiến nhưng có sự thay đổi hoặc cần làm rõ về chính sách, phải có ý kiến chính thức của Chính phủ.

Dự kiến sau khi kết thúc rà soát dự thảo Luật lần 2 (trong tháng 12/2023), Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có văn bản gửi Chính phủ đề nghị có ý kiến chính thức về dự thảo Luật và nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Sau khi nhận được ý kiến chính thức của Chính phủ, các cơ quan sẽ hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 01/2024 và báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi hoàn thành về mặt nội dung dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế sẽ chuyển dự thảo để Ủy ban Pháp luật rà soát về mặt kỹ thuật.

Đây là dự án Luật rất quan trọng, phạm vi tác động lớn với nhiều điều khoản liên quan. Mặc dù các cơ quan đã liên tục làm việc, nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc rà soát toàn bộ dự thảo Luật. Thực tế cho thấy việc rà soát rất mất thời gian và phát sinh thêm các nội dung cần làm rõ, hoàn thiện để bảo đảm không xảy ra vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tiễn. Từ nay đến hết tháng 12 thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1/2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo Luật, do vậy Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị cân nhắc việc thông qua các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 do đây là các dự án Luật có nội dung lớn, phức tạp, có sự tác động trực tiếp, sâu rộng đến nền kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khi thời gian diễn ra kỳ họp bất thường lại ngắn, thời gian từ nay tới Kỳ họp bất thường không nhiều nên thời gian để các cơ quan Quốc hội, Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua không nhiều, việc này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dự án Luật. Do đó, đề nghị chỉ trình thông qua các dự án Luật này khi đảm bảo chất lượng đã ở mức tối ưu nhất. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trình Quốc hội thông qua 2 dự án luật này tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng thì đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 những nội dung: Xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện; Xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).

Về hình thức họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Dự kiến Quốc hội họp 3 ngày, khai mạc vào thứ Hai, ngày 15/1/2024 và chia thành 2 đợt (Quốc hội nghỉ 2 ngày làm việc giữa 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua):

Đợt 1 họp trong 2,5 ngày (từ ngày 15 đến sáng ngày 17/1/2024) để tiến hành khai mạc Kỳ họp, nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo, thảo luận các dự thảo luật, nghị quyết, cụ thể, bố trí 0,5 ngày thảo luận ở hội trường đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); 0,5 ngày thảo luận ở hội trường đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Bố trí 0,5 ngày thảo luận ở Tổ đối với 2 dự thảo Nghị quyết còn lại và 0,5 ngày thảo luận ở hội trường/dự thảo Nghị quyết.

Đợt 2 sẽ họp trong 0,5 ngày (chiều thứ sáu, ngày 19/1/2024) để thông qua các luật, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Chú thích ảnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên họp

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ ý kiến của các cơ quan của Quốc hội thống nhất kỳ họp bất thường nếu tổ chức sẽ xem xét các nội dung trên. Chủ tịch Quốc hội lưu ý nên xem xét lại việc nghỉ 2 ngày giữa 2 đợt có quá dài hay không.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, ủy ban của Quốc hội cần quyết tâm thực hiện 2 dự án Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi để có thể tổ chức kỳ họp bất thường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Chính phủ rất quyết tâm để có thể hoàn thiện, trình 2 dự án luật trên ra kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Về chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay dự kiến Quốc hội khai mạc vào ngày 20/5/2024 và chia thành 2 đợt họp. Đợt 1 dự kiến 14 ngày (từ ngày 20/5 đến ngày 6/6/2024) chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn. Đợt 2 dự kiến 8 ngày, từ ngày 17/6 đến ngày 26/6/2024; chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 22 ngày, dự kiến bế mạc ngày 26/6/2024.

Theo báo Tin tức
(0) Bình luận
Kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 15/1/2024