Bằng tình yêu, trách nhiệm với di sản của cha ông để lại, những thành viên Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng đã bỏ nhiều công sức để "chữa trị" cho cây gạo cổ thụ ở Văn miếu Mao Điền.
Tốp thợ bắt sâu, làm sạch thân, cành cho cây gạo cổ thụ
Điểm nhấn của di tíchMỗi dịp lễ hội đầu xuân, du khách đến tham quan Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) đều ấn tượng với cây gạo cổ trước sân. Cây gạo đứng sừng sững trước khu vực thờ tự như một chứng nhân lịch sử. Từ lâu nó trở thành một trong những điểm nhấn của Văn miếu Mao Điền, góp phần mang lại vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm cho khu di tích này.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi, cây gạo trồng vào năm 1801 khi Văn miếu chuyển từ địa phận xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang ngày nay về Mao Điền. Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, hoa gạo nở vào tháng 4 - 5 dương lịch, giống như hoa phượng báo hiệu mùa thi, rất phù hợp với không gian mang đậm ý nghĩa giáo dục. Cây còn mang ý nghĩa phong thủy. Vào dịp Tết Nguyên đán, cây trơ trụi vì rụng lá, thân cây thẳng đứng, các cành như những cánh tay vươn lên trời cao để đón nhận linh khí của trời đất, kết nối âm dương.
Hình ảnh cây gạo gắn bó mật thiết với Văn miếu Mao Điền từ đó. Liên quan đến cây gạo này có câu ca dao: "Thương thay con sáo làng ta/ Bay từ cây gạo bay ra đồng Tràng" (trước đây cánh đồng Tràng phía trước Văn miếu là trường thi). Qua câu ca dao trên, chúng ta có thể biết quá khứ sôi động, thịnh đạt ở đây. Theo ý hiểu của nhiều người, trên cây gạo có nhiều tổ chim sáo. Ở trong văn miếu, không khí học tập, luyện thi, tế lễ diễn ra sôi động. Còn ngoài đồng Tràng, cảnh thi tấp nập, con sáo không ở yên nơi nào được nên cứ phải bay đi bay lại.
Cây gạo còn gắn bó với cuộc sống của người dân trong vùng. Ông Nguyễn Văn Sơn (65 tuổi), ở xã Cẩm Điền cho biết: "Thời còn chăn trâu, cắt cỏ, bọn trẻ chúng tôi thường ra đây chơi, vừa hóng mát, vừa ôn bài. Chúng tôi hay bắt chim sáo về nuôi. Sau này trưởng thành, dù công tác ở đâu, mỗi khi về quê, chúng tôi đều ra thăm văn miếu và ngắm cây gạo cổ".
Qua lời kể của ông Sơn, chúng tôi còn biết thêm một chi tiết thú vị. Đó là gốc cây gạo ở văn miếu sở dĩ sần sùi, mang vẻ cổ kính như hiện nay là do những năm qua, người dân thường đẽo vỏ cây về ngâm với rượu để chữa sưng tấy chân tay, đau răng. Mỗi chỗ bị đẽo vỏ, cây lại tiết ra chất làm lành vết thương tạo thành các u, cục quanh thân.
Cây gạo không chỉ ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương mà còn tạo ấn tượng khó quên đối với du khách thập phương khi tham quan Văn miếu Mao Điền. Mọi người đến đây hầu như ai cũng chụp ảnh với cây gạo cổ để làm kỷ niệm. Chị Tạ Thị Ngọc Anh, giáo viên Trường THCS Giảng Võ (TP Hà Nội) kể: "Tôi thường đưa học sinh về dâng hương, tham quan Văn miếu Mao Điền. Các em học sinh rất thích thú khi nghe giới thiệu về những giá trị lịch sử, văn hóa và cây gạo cổ của di tích. Mỗi lần đi trên quốc lộ 5, nhìn thấy cây gạo ở văn miếu, tôi biết mình đang ở địa phận huyện Cẩm Giàng".
"Đại phẫu" cho câyHóa ra dưới gốc cây là những lớp gạch vỡ, đá, cát, sỏi và có bờ gạch vỉa xây xung quanh do các cụ làm trước đây. |
|
Để cây tồn tại và phát triển đến ngày nay phải kể đến tình yêu, tinh thần trách nhiệm của Ban Quản lý di tích (BQLDT) huyện Cẩm Giàng, các cơ quan chuyên môn và đông đảo nhân dân địa phương.
Trải qua khoảng 216 năm tồn tại với những khắc nghiệt của thời tiết, biến đổi môi trường sống, cây gạo cổ ở Văn miếu Mao Điền giống như cơ thể của người già đang dần hết sinh lực và bị nhiều loại sâu, bệnh tấn công. Nhiều năm trước, cây gạo luôn xanh tốt, đến tháng 3 âm lịch, cây trổ những chùm hoa đỏ tươi tô điểm cho cảnh sắc nơi này. Nhưng năm 2014, toàn bộ lá cây gạo không còn xanh tươi mà úa dần. Một cành trên ngọn bị chết khô. Lo lắng và nhận biết cây không còn khỏe mạnh, BQLDT huyện đã báo cáo và mời được cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ về khảo sát, đánh giá thực trạng, tìm giải pháp cứu chữa cho cây. Sau nhiều ngày làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ, đoàn cho biết cây đang bị sâu đục thân và thiếu nước, dưỡng chất trầm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là trước đây, hồ nước hình tròn ở giữa sân là nguồn cung cấp nước, dưỡng chất cho cây đã bị lấp khi di tích được trùng tu, mở rộng vào giai đoạn từ 2002 - 2006. Chiếc hồ hiện nay tuy làm rộng hơn và ở cạnh nhưng xây bờ kiên cố khiến cây bị chặn nguồn sống.
Sau khi thống nhất phương pháp, BQLDT đã thuê Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương chữa trị cho cây. Những ngày “chữa bệnh” cho cây, không khí diễn ra nhộn nhịp, xen lẫn nhiều cảm xúc lo âu của các thành viên BQLDT. Giàn giáo dựng xung quanh cao gần bằng thân cây. Các tốp thợ soi xét từng cm và dùng dao chích theo đường ăn để tìm bắt từng con sâu, như bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau nhiều ngày, các nhóm thợ đã bắt gần 50 con sâu là nhộng của loài kén tóc. Đây là loại sâu có 2 càng rất khỏe, chúng bám chặt vào thân cây và gặm cắn lớp biểu bì làm cây khó có thể hấp thụ nước và dưỡng chất. Sau đó, các tốp thợ tiếp tục cạo bỏ những lớp vỏ chết, làm sạch mố trên thân, cành và phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón qua lá. Công đoạn quan trọng nhất là xử lý môi trường đất cho cây. Xung quanh gốc cây được đào rộng 40 cm, sâu 60 cm và đổ lân, thuốc trừ sâu xuống để cung cấp dưỡng chất, diệt sâu bệnh.
Sau cuộc "đại phẫu", cây xanh tốt trở lại. Mùa hoa năm 2015, cây ra hoa gấp nhiều lần năm trước. Mọi người vui mừng tưởng rằng cây đã được "cải tử hoàn sinh". Nhưng bất ngờ xảy đến làm nhiều người một lần nữa thót tim. Ông Nguyễn Đình Hài, nguyên Trưởng BQLDT huyện nhớ lại: "Sau trận giá rét mùa đông năm 2015, sang đầu năm 2016, cây hầu như không đâm chồi nảy lộc. Chúng tôi rất hoang mang nghĩ cây đã chết. Nhưng khi bấm móng tay vào vỏ thấy nhựa vẫn chảy. Mọi người thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng nghìn cân. Mùa hoa năm đó, cây chỉ trổ 10 bông và có một cành nữa trên ngọn bị chết".
BQLDT tiếp tục mời cơ quan chuyên môn tư vấn cách xử lý. Lần này, không phải do cây bị sâu bệnh mà thiếu đất, chất dinh dưỡng để chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt. BQLDT quyết định đào rộng 1m, sâu 1m xung quanh gốc cây. Khi đào sâu, mọi người đều bất ngờ và hiểu tại sao đã chữa bệnh, bón phân mà cây vẫn yếu. Hóa ra dưới gốc cây là những lớp gạch vỡ, đá, cát, sỏi và có bờ gạch vỉa xây xung quanh do các cụ làm trước đây. Những người thi công đã loại bỏ lớp gạch vỡ, đá, cát và đổ 25 m3 đất phù sa vào đây. Đồng thời, cứ đổ một lớp đất 30 cm lại rải một lớp phân lân, tổng cộng đã rải 3 tạ phân lân.
Các công việc trên đều do cán bộ, nhân viên của BQLDT thực hiện. Giữa cái nắng như thiêu như đốt của tháng 5, mọi người phải dùng búa chim, xà beng, bay, dao moi từng viên gạch, viên đá. Việc này phải làm hết sức cẩn thận nếu không sẽ làm đứt rễ cây. Ngoài ra, do ô tô chở đất chỉ đổ được ở ngoài cổng, mọi người phải dùng xe bò nhỏ chở vào. Ròng rã 2 ngày liền mới chuyển hết số đất. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại nhưng đều vui vì đã góp sức mình để chăm sóc cho cây quý.
Anh Hà Quang Thành, Trưởng BQLDT huyện cho rằng "trong cái rủi lại có cái may". Chẳng là, khi đào mở rộng xung quanh gốc cây do gặp cát, gạch khó thực hiện nên BQLDT đã nhờ máy xúc nhỏ của đơn vị đang thi công gần đó vào làm hộ. Nhưng cần máy xúc cao không qua được cửa nên mọi người đành phải đào thủ công. Vừa đào anh Thành vừa mừng thầm vì nếu dùng máy, chiếc gầu sắt sẽ chặt đứt hết rễ nhánh của cây và có thể không cứu được cây.
Hiện nay, BQLDT đã cắt cử người bơm nước tưới 2 lần/tuần và theo dõi sát sao tình trạng của cây. Từ đó đến nay, cây sinh trưởng tốt. Dịp lễ hội đầu xuân năm nay, dù lượng mưa phùn còn ít nhưng cây đã bắt đầu nảy lộc đâm chồi. Cây gạo cổ đã thực sự hồi sinh.
DANH TRUNG