Chiều 4.7, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Văn phòng Chính phủ đã họp báo thường kỳ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng năm 2023.
GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, khu vực dịch vụ tăng 6,33%. Những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Nhiều chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng, công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường chứng khoán dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn và tích cực hơn tháng trước, cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt cho thực hiện các công việc, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tác động khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I, cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: TP Hồ Chí Minh tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý I giảm 4,5%)...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cơ bản đã xác định được các khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế; có nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cụ thể, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.
Cùng với đó là chuẩn bị chu đáo, chất lượng, bảo đảm an toàn, đóng góp quan trọng vào sự thành công của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; quyết liệt triển khai công việc được giao, vừa tập trung xử lý vấn đề tồn đọng, kéo dài, vấn đề mới phát sinh, làm tốt công tác an sinh xã hội; vừa cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng cho biết: Khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội... Trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Theo Báo Tin tức