Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao

27/10/2020 23:23

Báo điện tử Hải Dương đăng toàn văn tham luận của đồng chí Bùi Hữu Chỉnh, Bí thư Đảng uỷ xã Nam Tân, huyện Nam Sách tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.



Được sự cho phép của Đoàn Chủ tịch Đại hội phát biểu tham luận, trước hết tôi bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với Báo cáo chính trị và các nội dung trình trước Đại hội. Sau đây, tôi xin được tham luận với chủ đề: “Giải pháp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao”.

Xã Nam Tân nằm ở phía Bắc huyện Nam Sách, cách trung tâm huyện 12km, có tổng diện tích đất tự nhiên 606,8 ha. Toàn xã có 5 thôn với 1.575 hộ và 5.529 khẩu. Trước thời điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nam Tân là một xã khó khăn, thu nhập chính của nhân dân từ sản xuất nông nghiệp. Năm 2011, xã mới đạt 11 tiêu chí nông thôn mới, toàn xã mới bê tông hóa được gần 4km trong tổng số 21,8 km đường giao thông, còn lại là đường đất lầy lội vào mùa mưa; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ; quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và huyện, chúng tôi xác định: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn là một chương trình tổng thể mang tính dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng ở nông thôn. Từ đó, xã đã chủ động, quyết tâm đổi mới cách làm, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới đến mọi người dân với tinh thần: Chương trình nông thôn mới chỉ thực sự thành công, có ý nghĩa khi nó đi vào từng thôn xóm, từng hộ gia đình và phải bắt nguồn từ sự thay đổi trong tư duy của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân, để mỗi người không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước mà tự giác tham gia chương trình, mọi thành quả đó thuộc về người dân.

Do đó, khi triển khai, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trước hết là cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ, nắm chắc nội dung yêu cầu, quy định của từng tiêu chí, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, sau đó mới triển khai trong nhân dân để nhân dân được biết, được bàn và quyết định các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân, để người dân nhận thức được vai trò là chủ thể của mình. Từ việc được nghiên cứu, học tập, được tuyên truyền, vận động, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được thay đổi cả về nhận thức, tư duy và hành động, tích cực tham gia hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Nhân dân đã tự nguyện hiến gần 5.400 m2 đất thổ cư, trên 73.000 m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao; 100% tuyến đường giao thông (21,8 km) đã được bê tông và nhựa hóa (trong đó, đường trục xã rộng 7 - 9 m; đường liên thôn, trục thôn rộng 5 - 6m; đường ngõ xóm rộng 3 - 4 m); đường nội đồng bê tông hóa được 8,7 km (đạt 80,5%) với mặt rộng 2,5 - 4 m; kiên cố hóa được 5,1 km kênh mương (đạt 77%); các tuyến đường đều có đèn cao áp và đèn chiếu sáng. Toàn xã có 3 trang trại nuôi lợn, 2 trang trại nuôi gà, 2 trang trại nuôi thả cá trong đồng; 18 nhà màng trồng nấm chất lượng cao với tổng diện tích 1.080 m2; có 49 hộ nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy với tổng số 1.025 lồng, sản lượng đạt 3.200 tấn/năm (trong đó, có 20 hộ thực hiện dán nhãn truy xuất nguồn gốc); cả 5 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, trường tiểu học và THCS đạt chuẩn mức độ II, trường mầm non đạt chuẩn mức độ I; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, hệ thống chính trị vững mạnh; năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi khởi sắc.

Với kết quả đó, năm 2015, xã Nam Tân đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2019 Nam Tân là một trong 9 xã đầu tiên của tỉnh được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Nam Tân lần thứ XXVIII đã đề ra mục tiêu xây dựng xã Nam Tân đạt xã Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020 - 2025.

Từ những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm rút ra trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; đồng thời để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 20% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, như Báo cáo chính trị trình Đại hội đã đề ra, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau để Đại hội tham khảo:

Một là, tiếp tục tập trung cao công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trọng tâm tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay; đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm huy động tối đa sự tham gia đóng góp cả về trí tuệ, công sức và nguồn lực của người dân.

Hai là, bám sát các tiêu chí, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng phương án, dự toán, kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách cụ thể, sát thực tế; tổ chức thực hiện bài bản, quyết liệt, khơi dậy, phát huy được sức dân cao nhất, đảm bảo phát triển hài hòa giữa 3 trụ cột "kinh tế, xã hội và môi trường".  Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất VietGAP tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc (đối với xã Nam Tân, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung quy hoạch 4 đến 5 vùng sản xuất chuyên canh trồng rau mầu kỹ thuật cao, quy mô diện tích 3 đến 5 ha, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật sản xuất đồng bộ; vận động nhân dân đầu tư kinh phí phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất nhà màng, nhà lưới, các mô hình chăn nuôi trang trại xa khu dân cư; khuyến khích người dân phát triển bền vững mô hình nuôi cá mặt nước trong nội đồng, mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy, tập trung vào các giống cá giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng như: Trắm đen, cá lăng, cá trắm, chép giòn...).

Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông đồng bộ, rà soát lại việc thực hiện tiêu chí quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch về sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật, quản lý sử dụng hiệu quả quy hoạch xây dựng theo phương châm “nhà nhà kiểu mẫu, thôn kiểu mẫu, xã kiểu mẫu”, gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Làm tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn; hướng dẫn, động viên nhân dân thực thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình. Rà soát, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước trong khu dân cư. Đầu tư nâng cấp hệ thống đèn chiếu sáng công cộng và mở rộng diện tích trồng hoa nơi công cộng, hành lang đường giao thông, đảm bảo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. 

Ba là, cán bộ các cấp, các ngành phải luôn đồng hành với xã, với thôn trong quá trình thực hiện, có phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí, lộ trình kế hoạch, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện các tiêu chí; thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ cơ sở, người dân, cộng đồng; giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần tổ chức tham quan thực tế giữa các địa phương nhằm rút ra bài học và tạo động lực lớn (kể cả cho cán bộ lãnh đạo các cấp địa phương và người dân).

Bốn là, tạo ra phong trào thi đua nhà nhà với nhau, tổ liên gia với nhau, thôn với nhau và định kỳ tổ chức các cuộc thi tạo phong trào thi đua rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu. Thực hiện sơ, tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm, lượng tính những khó khăn, thách thức; xác định nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo từng thời kỳ; kết hợp tổ chức đánh giá theo chuyên đề, bình chọn, biểu dương tổ chức, cá nhân điển hình, nhằm tạo động lực trong phong trào thi đua đạt kết quả cao hơn.

Năm là, chúng ta xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục, không có điểm dừng, không có kết thúc. Do vậy, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu cần có sự chọn lựa, đi vào thực chất, không nên vì số lượng, thành tích, phong trào. Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã huy động nhiều sức dân. Nay tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư kinh phí. Các xã sẽ chủ động tranh thủ các nguồn vốn và tiếp tục huy động sự đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, chúng tôi mong tỉnh cần quan tâm có chính sách, cơ chế hỗ trợ, nhất là về kinh phí cho các xã, tạo động lực cho các địa phương thực hiện; đồng thời để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

 BÙI HỮU CHỈNH
Bí thư Đảng uỷ xã Nam Tân, huyện Nam Sách

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao