Khoai tây trồng vụ đông thường hay bị nấm, vi khuẩn và virus gây hại.
Để đạt được năng suất, chất lượng cao cho khoai tây thương phẩm trồng vụ đông thì việc quản lý bệnh hại đóng vai trò quan trọng, nhất là từ giai đoạn khoai phát triển thân lá mạnh đến cuối vụ. Khoai tây trồng vụ đông thường hay bị nấm, vi khuẩn và virus gây hại. Trong đó, các bệnh phổ biến là mốc sương, héo xanh, ghẻ củ và khảm lá. Sau đây là một số kinh nghiệm trong quản lý bệnh hại khoai tây vụ đông, giai đoạn từ giữa đến cuối vụ:
- Bệnh mốc sương: Nấm mốc sương lây truyền từ cây xuống củ, bào tử nấm có thể lan truyền qua gió. Thời tiết lạnh kèm mưa phùn, bệnh sẽ phát triển mạnh vì bào tử nấm phân chia thành túi bào tử động có roi. Nhiệt độ trên 27 độ C bào tử nấm ngừng phát triển.
Khi thời tiết âm u, ẩm ướt và cây khoai tây lại đang trong giai đoạn phát triển ra lá liên tục thì nông dân cần phải phun thuốc phòng bệnh mốc sương nhiều lần và liên tục từ 3-5 ngày/lần mới kiểm soát tốt được bệnh.
Khi phòng bệnh mốc sương cho khoai tây nên sử dụng các thuốc có hoạt chất: Mancozeb, Cholorothanil, Metalaxyl hay propineb... Khi bệnh chớm xuất hiện cần sử dụng các loại thuốc đặc trị như Cuzzate M8, Melody DUO 66.75WP, Acrobat MZ 90/60WP hoặc Revus opti 440SC...
* Lưu ý: Để giảm thiểu nấm mốc sương lan truyền từ cây xuống củ, nông dân cần cắt dây trước khi thu hoạch từ 5-7 ngày, thậm chí là 10-15 ngày nếu thời tiết lạnh.
- Bệnh héo xanh vi khuẩn: Thường không thể hoặc không có hiệu quả khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên phòng tránh bệnh là cách tốt nhất. Nên chọn giống kháng bệnh, sử dụng củ giống sạch bệnh, luân canh cây trồng, vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối tránh thừa đạm, tránh xới xáo, vun luống quá muộn làm đứt rễ củ.
- Bệnh ghẻ củ: Do vi khuẩn gây nên, bệnh phát triển mạnh trong môi trường đất chua. Cần bón vôi và canxi để giảm thiểu tỷ lệ bệnh trên củ.
- Bệnh khảm do virus: Nếu cây bị nhiễm virus thì không thể chữa trị. Song có thể phòng tránh bằng cách sử dụng giống sạch bệnh, loại bỏ cây bị bệnh trên đồng ruộng, kiểm soát tốt tác nhân truyền bệnh (thường là rệp) để không làm lây lan virus, vệ sinh dụng cụ thường xuyên, quản lý vật nuôi, con người đi lại xung quanh...
- Trong một số trường hợp ruộng khoai còn bị bệnh sinh lý gây thâm ruột, rỗng ruột củ hay củ sinh trưởng thứ cấp... Nguyên nhân do bón thừa đạm hoặc bón kali quá muộn, khoai vào củ gặp nhiệt độ cao... Cần khắc phục bằng cách giữ ẩm thường xuyên cho ruộng, vun luống cao và bón phân cân đối.
* Lưu ý: Việc bón phân, tưới nước cho khoai tây cũng cần được tiến hành hợp lý và khoa học mới hạn chế được bệnh hại phát sinh. Với khoai tây thương phẩm trồng vụ đông, nông dân cần kết thúc bón thúc trước 40 ngày sau trồng, không nên bón phân lai rai hay bón muộn. Cần tưới nước cho khoai vào buổi sáng sẽ có tác dụng rửa sương muối (nếu có) và rửa các bào tử nấm bám trên lá.
KS. TRẦN THỊ LIÊN
(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)