Kinh nghiệm của Thanh Miện trong giải phóng mặt bằng đường trục Đông - Tây tỉnh

14/09/2022 05:45

Với việc thực hiện công khai, minh bạch, phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, Thanh Miện đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân nên đến tháng 9 đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường trục Đông - Tây tỉnh, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra.

Dự án đường trục Đông - Tây tỉnh đoạn qua địa bàn huyện Thanh Miện đang thi công


Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường trục Đông - Tây tỉnh ở huyện Thanh Miện diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra.

Công khai, minh bạch 

Dự án đường trục Đông - Tây được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 12.2020, với tổng số vốn gần 1.500 tỷ đồng, được thực hiện trong thời gian từ năm 2021 - 2024. Tuyến đường có tổng chiều dài 36,5 km đi qua các huyện: Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ. Trong đó, 14 km đi qua địa bàn huyện Thanh Miện được triển khai thi công đầu tiên. Ngay từ đầu năm 2022, huyện Thanh Miện đã tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB với quyết tâm cao. Đến tháng 9 này, huyện đã cơ bản hoàn thành GPMB, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra. 

Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Miện, đường trục Đông - Tây tỉnh là dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và Thanh Miện nói riêng. Để thực hiện dự án, huyện phải thu hồi gần 50 ha đất của hơn 770 hộ dân nên công tác GPMB là yếu tố then chốt. Nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, mọi thông tin về dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ đều được huyện thực hiện công khai, minh bạch. 

Xã Lê Hồng có diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án nhiều nhất của huyện. Do đó trước khi triển khai thu hồi đất, địa phương này đã tổ chức họp dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của dự án trên hệ thống loa truyền thanh xã, công khai thông tin của dự án tại trụ sở UBND xã, nhà văn hoá các thôn để nhân dân nắm được. Nhờ đó, ngay trong cuộc họp thông báo chủ trương thu hồi đất chính thức đã có 110 trong tổng số 112 hộ dân của xã nhất trí bàn giao đất cho dự án.

Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng cho biết dù có diện tích thu hồi lớn nhưng công tác GPMB tại địa phương được triển khai rất nhanh với sự đồng lòng, nhất trí cao của nhân dân. Để làm được điều này, mọi thông tin về dự án hay việc kê khai, kiểm đếm tài sản, phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, xã đều thực hiện công khai, minh bạch dưới sự giám sát của quần chúng nhân dân. "Đối với những vướng mắc của nhân dân, chúng tôi đều chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh tập trung giải quyết, tháo gỡ thấu tình, đạt lý", đồng chí Bùi Văn Tiến chia sẻ.

Cơ quan chuyên môn của huyện Thanh Miện thường xuyên phối hợp với đơn vị thi công để giải quyết một số vướng mắc trong quá trình triển khai dự án


Đảng viên nêu gương 

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, công tác GPMB được xác định là công việc đột phá của xã Tứ Cường. Do đó, khi triển khai các dự án trên địa bàn xã, đảng viên phải là người đi đầu, nêu gương. Để thực hiện dự án đường trục Đông - Tây tỉnh, nhiều đảng viên có diện tích đất phải thu hồi đã sớm chủ động phối hợp với chính quyền xã và cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức kiểm đếm, kê khai tài sản trên đất để GPMB. Việc làm này đã tạo hiệu ứng tích cực trong quần chúng nhân dân, giúp công tác GPMB tại địa phương diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận bàn giao đất để dự án được triển khai đúng tiến độ. 

Gia đình ông Trần Văn Thư ở thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường có 435 m2 đất thuộc diện phải thu hồi để thực hiện dự án đường trục Đông - Tây. Với trách nhiệm của người đảng viên, ông Thư không những nhất trí bàn giao đất mà còn tích cực tuyên truyền cho người thân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án. "Khi triển khai dự án, nhiều người còn băn khoăn về đơn giá bồi thường. Để dân tin, cán bộ, đảng viên trong xã phải là người đi đầu để nêu gương. Khi dân - Đảng một lòng thì việc gì cũng xong", ông Thư cho biết.

Ông Bùi Văn Hán ở thôn Lâm Kiều, xã Lê Hồng là thương binh, khả năng lao động đã giảm sút nhiều. Hơn 5 sào ruộng là kế sinh nhai duy nhất của gia đình ông. Khi dự án đường trục Đông - Tây được triển khai, ông Hán sẵn sàng bàn giao hơn 2.000 m2 đất cho tỉnh thực hiện dự án mà không một chút đắn đo, phàn nàn. Ông Hán cho rằng, khi đường lớn được mở qua đây thì người dân sẽ có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Việc đi lại giữa các địa phương được rút ngắn đồng nghĩa với đường về thăm nhà của con em quê hương sẽ gần hơn.

Đến nay, tất cả các hộ thuộc diện thu hồi đất GPMB giai đoạn 1 đã nhất trí với phương án bồi thường. Do bàn giao mặt bằng sớm nên đến nay, dự án đường trục Đông - Tây tỉnh đã thi công trên thực địa hơn 3 km. Các mũi thi công vẫn đang tập trung đào nền, đắp cát, xử lý nền đất yếu... Mọi hạng mục đều bảo đảm tiến độ đề ra. Ông Lê Văn Quảng, Quản lý điều hành gói thầu 11 đường trục Đông - Tây tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của huyện Thanh Miện trong công tác GPMB, nhờ đó mà tiến độ của dự án được triển khai đúng kế hoạch đề ra. "Trong quá trình triển khai thi công, chúng tôi gặp một số khó khăn nhưng đều được cơ quan chức năng của huyện phối hợp giải quyết nhanh chóng. Hiện chúng tôi đang tập trung nhân lực để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng", ông Lê Văn Quảng nói.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm của Thanh Miện trong giải phóng mặt bằng đường trục Đông - Tây tỉnh