Kinh Môn - thị xã trẻ: Bài 2: Vang danh đặc sản nông nghiệp

25/12/2019 08:47

Là địa phương có lợi thế trong phát triển nông nghiệp nên thị xã Kinh Môn có nhiều sản vật phong phú, mang đậm dấu ấn của vùng đất bán sơn địa.

>>  Bài 1: Vùng đất công nghiệp


Thị xã Kinh Môn chú trọng mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 

Đa dạng

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Kinh Môn là hành tỏi. Dù không phải địa phương đầu tiên trong tỉnh trồng loại cây này nhưng hành tỏi Kinh Môn lại nức tiếng gần xa. Mỗi năm, Kinh Môn thu hơn 1.000 tỷ đồng từ cây trồng này.

Ông Dương Văn Tấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Hòa tự hào cho biết: "Cây hành, cây tỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nông dân quê tôi tận dụng từng tấc đất để trồng.

Chất đất thịt pha cát của địa hình đồng bằng xen lẫn đồi núi làm cho hành tỏi xuống củ đều, chắc, khó có thể nhầm lẫn với khu vực khác nên thương lái ưa chuộng". Người dân Kinh Môn giờ đây đã biết áp dụng các kỹ thuật canh tác khoa học phục vụ cho chế biến để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp chủ lực này. 

Nếp cái hoa vàng là đặc sản của địa phương. Với vị thơm dẻo đặc trưng, giống lúa đặc sản này đã chinh phục được những khách hàng khó tính nhất. Chính vì vậy, theo thời gian, người dân vẫn duy trì và ưu tiên gieo cấy giống lúa này.

Theo ông Ngô Quang Sang, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn, toàn huyện có hơn 600 ha nếp cái hoa vàng ở vụ mùa. Do mang lại giá trị kinh tế cao nên người dân ngày càng chú trọng tới chất lượng sản phẩm.

Nếp cái hoa vàng đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể nên hiệp hội thực hiện nhiều giải pháp để tạo chỗ đứng cho sản phẩm chủ lực này. Nếp cái hoa vàng Kinh Môn giờ đã có bao bì, nhãn mác, không còn bị đánh đồng với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.

Ngoài dấu ấn của những nông sản đã tồn tại lâu đời, thị xã Kinh Môn còn là địa phương đi đầu trong việc đưa những cây trồng mới vào sản xuất. Vùng cam trĩu quả ở phường Thất Hùng, thanh long có tem truy xuất nguồn gốc ở xã Bạch Đằng hay khu sản xuất dưa lưới công nghệ cao ở phường Long Xuyên... cũng là điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp của thị xã. Từ nền tảng này, Kinh Môn có thể bắt kịp với xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại.

Chú trọng đầu tư

Để có được thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp như hiện nay, thị xã Kinh Môn luôn quan tâm tới việc quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế từng vùng. Do thực hiện bài bản, đồng bộ theo quy hoạch để tập trung đầu tư mà thị xã có những bước tiến dài trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dù địa hình bán sơn địa song thị xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa từ rất sớm. Từ đó, dựa trên điều kiện canh tác của từng nơi, thị xã đã quy hoạch khu nam An Phụ khai thác thế mạnh về hành tỏi, sắn dây và chăn nuôi. Khu bắc An Phụ và Tam Lưu tập trung phát triển cây ăn quả, rau màu. Khu Nhị Chiểu đầu tư canh tác đặc sản nếp cái hoa vàng...

Để bảo đảm hạ tầng phục vụ sản xuất, thị xã hỗ trợ các xã, phường kinh phí làm đường giao thông, hệ thống tưới tiết kiệm... Những cây trồng thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu hoặc chế biến thành các sản phẩm giá trị cao như cây tỏi, thị xã có cơ chế hỗ trợ ưu tiên để nông dân mở rộng diện tích gieo trồng.

Kinh Môn còn quan tâm tới sản xuất sạch, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững. Thị xã cũng khuyến khích các địa phương sử dụng phân bón vi sinh, hỗ trợ phân bón Nep26 cho các vùng trồng hành tỏi. Kinh Môn đặt mục tiêu giảm từ 30-50% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên đồng ruộng vào năm 2020. 

Không chỉ đầu tư cho phát triển nông nghiệp truyền thống, thị xã Kinh Môn còn khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh mức hỗ trợ của tỉnh, địa phương cũng thực hiện hỗ trợ 150.000 đồng/m2 nhà màng, 50.000 đồng/m2 nhà lưới cho nông dân. Nhờ vậy mà thị xã đang dần hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao tại các xã, phường như Long Xuyên, Thất Hùng, Hiến Thành, Bạch Đằng...

Ông Lê Văn Dũng ở khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ 3 sào ruộng của gia đình lại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ sản xuất trong nhà màng. Được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, cuối năm 2017, tôi quyết định dựng nhà màng để trồng dưa lưới.

Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ nhà tôi mà các hộ xung quanh cũng rất phấn khởi khi thay đổi tư duy sản xuất lại được chính quyền ủng hộ và cho kết quả tốt".

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Thị ủy Kinh Môn, dù phát triển công nghiệp song thị xã chưa khi nào xem nhẹ sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, thị xã luôn chú trọng đầu tư để khai thác tối đa hiệu quả lĩnh vực này. Quan tâm tìm hướng đi cho các nông sản thế mạnh như hành tỏi, nếp cái hoa vàng, sắn dây...

Nhờ vậy mà giá trị sản xuất nông nghiệp của thị xã không ngừng tăng cao (năm 2018 đạt hơn 200 triệu đồng/ha). Thời gian tới, thị xã tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

   PV  

-------------
Kỳ sau: Thương mại - dịch vụ phát triển​   

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh Môn - thị xã trẻ: Bài 2: Vang danh đặc sản nông nghiệp