Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đang thúc đẩy tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình và giải ngân vốn đầu tư công.
Tăng tốc
Những ngày nay, trên công trường xây dựng đường nối cầu vượt sông Kinh Môn với đường tỉnh 389B tại xã Thượng Quận (một trong những công trình trọng điểm của thị xã), từng chuyến xe tải hối hả nối đuôi nhau chở vật liệu san lấp tạo nền đường. Hàng chục công nhân gia công cốt thép cống hộp, tường chắn nhanh tay làm những phần việc của mình. Đến nay, nhà thầu đã đào khuôn, lấp cát nền đường được khoảng 1.600 m, đạt 90% chiều dài tuyến đường.
Công trình trên do liên danh Công ty CP Phát triển vững mạnh KTĐ và Công ty TNHH Xây dựng Việt Thanh thi công. Để bảo đảm tiến độ, 2 doanh nghiệp trên đã bố trí khoảng 50 lao động, 7 chiếc máy xúc, 5 xe lu, 6 xe tải, 4 máy gạt, 2 máy san cát, 2 xe phun nước…
“Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công thường xuyên tăng ca, kíp. Nhiều thời điểm công nhân làm xuyên đêm để bảo đảm tiến độ”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP Phát triển vững mạnh KTĐ cho biết.
“Theo kế hoạch, giữa tháng 5/2025, công trình hoàn thành nhưng chúng tôi sẽ tập trung nhân lực, máy móc, phấn đấu xong trước thời hạn. Công tác kiểm tra, giám sát luôn được thực hiện chẽ, bảo đảm chất lượng công trình”, ông Lê Đại Dương, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Kinh Môn chia sẻ.
Không chỉ gấp rút thi công các công trình trọng điểm của thị xã, các dự án lớn của tỉnh nằm trên địa bàn cũng được khẩn trương giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án xây dựng tuyến đường giao thông kết nối quốc lộ 17B với cầu Dinh, thị xã Kinh Môn sử dụng khoảng 9,56 ha, đi qua 4 phường: Thái Thịnh, An Lưu, Hiệp An, Long Xuyên.
Ngày 5/11, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt dự án, ngày 6/11, UBND thị xã xây dựng kế hoạch thu hồi đất và triển khai các bước. Đến ngày 28/11, công tác kiểm kê đất và tài sản trên đất đã hoàn thiện; lập và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (đợt 1). Dự kiến, ngày 28/12, UBND thị xã sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Top đầu của tỉnh
Năm 2024, thị xã Kinh Môn có 89 công trình, dự án cấp huyện, cấp xã, với tổng vốn đầu tư công 295,18 tỷ đồng. Đối với đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025, thị xã Kinh Môn có khoảng 130 công trình, dự án, tổng kinh phí 2.051 tỷ đồng. Đến cuối tháng 11/2024, tổng vốn giải ngân của thị xã đạt 208,75 tỷ đồng, chiếm 70,7%, là 1 trong 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung toàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn có 2 dự án do UBND thị xã Kinh Môn làm chủ đầu tư là xây dựng đường nối cầu vượt sông Kinh Môn với đường tỉnh 389B; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư và khu tái định cư xã Thượng Quận. Đi qua địa bàn còn có 7 dự án của tỉnh do thị xã Kinh Môn đảm nhận công tác giải phóng mặt bằng. Tất cả các dự án hiện đều bảo đảm tiến độ.
Khó khăn nhất khi triển khai các dự án là giải phóng mặt bằng. Đa số người dân có đất bị thu hồi đều có tâm lý ngại thay đổi, do dự về mức hỗ trợ, bồi thường bởi nhiều quy định về cơ chế, chính sách khác nhau qua các giai đoạn… Để nhân dân đồng thuận cao, cả hệ thống chính trị ở đây đã vào cuộc quyết liệt. Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thị xã được thành lập. “Ngoài việc tổ chức họp dân, công khai các thông tin dự án, các tổ công tác tranh thủ cả thứ bảy, chủ nhật và buổi tối đến từng hộ tuyên truyền, vận động. Việc kiểm kê cũng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời”, ông Nguyễn Bảo Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Kinh Môn cho biết.
Xã Thượng Quận là địa phương làm tốt công tác phối hợp trong giải phóng mặt bằng. Trên địa bàn xã có 3 dự án là công trình trọng điểm của thị xã, tỉnh, với tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 26 ha (chủ yếu là đất ở và đất nông nghiệp) của trên 300 hộ dân. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án đều được hoàn thành trước thời hạn từ 1-2 tháng. Trong đó, nhiều hộ trong xã đồng thuận giải tỏa hàng nghìn m² đất.
“Không chờ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, UBND xã đã chủ động thực hiện các bước: đối thoại với người dân, tổ chức hội nghị quân dân chính Đảng… để sớm tạo đồng thuận triển khai các bước của dự án”, ông Bùi Văn Lượng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Quận chia sẻ.
Trên các công trường thi công, đại diện chủ đầu tư luôn cùng đơn vị thi công phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Dự án xây dựng đường nối cầu vượt sông Kinh Môn với đường tỉnh 389B do nằm sát chân đê nên phải khắc phục sự cố sau bão. Theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, công trình có 5 vị trí phải xử lý nền đất yếu nhưng khi triển khai thi công phát sinh thêm 5 vị trí phải xử lý. Tuy nhiên, nhà thầu đã chủ động phối hợp xử lý nhanh chóng, không ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.
Bộ trưởng Xây dựng đã có quyết định công nhận thị xã Kinh Môn là đô thị loại III. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng để địa phương tiếp tục đầu tư nâng cấp các tiêu chí cao hơn để bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại hơn.
Theo lộ trình, thị xã sẽ triển khai các đề án phát triển khu, cụm công nghiệp, khu đô thị; bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống… “Trước mắt, thị xã tập trung đầu tư các tiêu chuẩn đô thị loại III còn thiếu, yếu như: hệ thống cây xanh đô thị, công trình xử lý nước thải, mật độ đường giao thông...”, ông Bùi Xuân Lộc, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn khẳng định.
VŨ LÊ