Công tác chuẩn bị các điều kiện chuyển đổi chức năng quản lý từ mô hình chính quyền nông thôn sang mô hình chính quyền đô thị được UBND huyện Kinh Môn quan tâm, chú trọng.
Sau khi được công nhận là thị xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn sẽ chuyển đổi thành Phòng Kinh tế
Bộ máy chính quyền của huyện Kinh Môn đang được khẩn trương sắp xếp lại để có thể hoạt động trơn tru ngay sau khi Nghị quyết công nhận thị xã Kinh Môn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực vào ngày 1.11.2019.
Nhiều thay đổi
Để chuẩn bị cho bộ máy chính quyền hoạt động theo mô hình thị xã, ngày 16.9, huyện Kinh Môn đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trước, trong và sau khi công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Kinh Môn.
Công tác chuẩn bị các điều kiện chuyển đổi chức năng quản lý từ mô hình chính quyền nông thôn sang mô hình chính quyền đô thị được UBND huyện quan tâm, chú trọng.
Khi Kinh Môn được công nhận là thị xã, Phòng Kinh tế - Hạ tầng sẽ chuyển thành Phòng Quản lý đô thị. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển thành Phòng Kinh tế.
Các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức thuộc huyện trước đây sẽ chuyển thành các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thuộc thị xã Kinh Môn. Đối với các xã lên phường sẽ chuyển đổi các thôn thành khu dân cư.
Huyện cũng đề xuất UBND tỉnh ra quyết định thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thị xã. Huyện sẽ giải thể Hạt Giao thông huyện, thành lập doanh nghiệp quản lý giao thông, môi trường và đô thị Kinh Môn.
Huyện cũng giao cho Phòng Nội vụ xây dựng hồ sơ phân loại đơn vị hành chính, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, xây dựng phương án điều chỉnh số biên chế được giao theo mô hình đô thị sau khi thành lập thị xã.
Huyện Kinh Môn hiện có 22 xã và 3 thị trấn. Khi được công nhận là thị xã, đơn vị hành chính của Kinh Môn còn 14 phường, 9 xã. Các xã Quang Trung và Phúc Thành sáp nhập thành xã Quang Thành, xã Phạm Mệnh và Thái Sơn sáp nhập thành phường Phạm Thái.
Huyện Kinh Môn sẽ xây dựng kế hoạch chuyển toàn bộ đại biểu HĐND xã thuộc diện sáp nhập thành đại biểu HĐND xã, phường mới thành lập. Với 13 xã, thị trấn được lên phường thì đại biểu HĐND xã, thị trấn trước đây cũng được chuyển thành đại biểu HĐND phường.
Đến nay, Kinh Môn đã có 657 cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp... đề nghị đổi con dấu. Phòng Nội vụ huyện đã làm việc với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) thống nhất cách thức thực hiện và có văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai. Dự kiến, việc đổi con dấu sẽ đồng loạt thực hiện trong ngày 1.11.
Giải quyết nhân sự
Băn khoăn lớn nhất của huyện Kinh Môn sau khi được công nhận thị xã đó là giải quyết vấn đề cán bộ. Ông Trương Đức San, Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: "Sau khi sắp xếp bộ máy hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị sẽ có những nơi thừa song lại có những nơi thiếu cán bộ. Chúng tôi rất mong cấp trên sớm có hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp các phòng ban, hướng dẫn vấn đề nhân sự để địa phương có thể thực hiện sớm".
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có 6 cán bộ, công chức. Sau khi trở thành thị xã, phòng sẽ được chuyển thành Phòng Kinh tế, thêm các chức năng nhiệm vụ quản lý về khoa học - công nghệ, dịch vụ, thương mại...
"Như vậy, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của phòng sẽ nhiều hơn, điều đó đồng nghĩa với việc phòng cần thêm người để thực hiện các công việc chuyên môn. Khi được bổ sung thêm người, phòng sẽ chủ động phân công, sắp xếp công việc sao cho hợp lý để bộ máy hoạt động hiệu quả", ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết.
Ngoài bổ sung, sắp xếp lại nhân sự ở những phòng ban được đổi tên hoặc thành lập mới, huyện Kinh Môn cũng chủ động sắp xếp, bố trí cán bộ ở những xã sáp nhập. Theo ông Trương Đức San, tổng số cán bộ, công chức của 4 xã là 77 người, sau sáp nhập sẽ thừa 32 người.
Một thuận lợi trong việc sắp xếp cán bộ dôi dư của huyện Kinh Môn là theo Nghị quyết 653/2019/ UBTVQH14 ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sau 5 năm kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực, số lượng lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị hành chính mới phải bảo đảm theo đúng quy định nên việc sắp xếp cán bộ ở 4 xã trên không quá gấp gáp.
Huyện Kinh Môn mong muốn các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn việc chuyển đổi, thành lập mới các phòng ban, bổ sung nhân sự. Ngay sau khi có hướng dẫn của cấp trên, huyện sẽ bắt tay ngay vào kiện toàn nhân sự để bộ máy chính quyền sớm hoạt động phù hợp với mô hình thị xã.
THANH HÀ