Thực hiện lộ trình của UBND tỉnh, huyện Kinh Môn đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai với quyết tâm cao để xóa bỏ các lò vôi thủ công trong năm 2019.
Lò vôi của ông Phạm Văn Tỉnh, khu Phúc Lâm, thị trấn Kinh Môn đang được sửa chữa, cải tạo để tiếp tục sản xuất
Rà soát, xử lý vi phạm
Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngày 24.7.2017, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt lộ trình và kế hoạch xóa bỏ các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo lộ trình, không cho phép đầu tư xây dựng mới các loại lò nung vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đến năm 2020, xóa bỏ toàn bộ các lò nung vôi thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên địa bàn tỉnh. Chấm dứt hoạt động, xóa bỏ ngay các lò nung vôi thủ công trước thời gian quy định trên với các cơ sở không bảo đảm các điều kiện về an toàn chịu lực và an toàn vận hành lò; vi phạm một trong các nội dung sau: không khắc phục được theo đúng yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền; không bảo đảm quy định về môi trường, không có giấy tờ chứng minh việc sử dụng đất hợp pháp, không thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài nguyên theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của UBND huyện Kinh Môn, trên địa bàn huyện có 41 lò vôi thủ công với 77 buồng đốt tập trung ở các thị trấn: Kinh Môn, Minh Tân, Phú Thứ và các xã Phạm Mệnh, Duy Tân, Thái Thịnh.
Ngay khi tỉnh có chủ trương, huyện Kinh Môn đã bắt tay ngay vào cuộc bằng việc xây dựng kế hoạch xóa các cơ sở sản xuất vôi thủ công. UBND huyện Kinh Môn yêu cầu các phòng, ban chuyên môn kiểm tra, rà soát lập biên bản với từng cơ sở sản xuất vôi.
UBND các xã, thị trấn rà soát tất cả các cơ sở hoạt động sản xuất vôi thủ công trên địa bàn và xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp có vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, đầu tư, môi trường, an toàn vệ sinh lao động... Tổ chức thanh lý tất cả các hợp đồng thuê đất không đúng thẩm quyền, các hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp mà chủ sử dụng đất tự ý chuyển đổi mục đích sang sản xuất vôi. Có biện pháp quản lý đất đã thanh lý hợp đồng và diện tích đất do UBND xã, thị trấn quản lý.
Ông Nguyễn Xuân Chức, phố Kinh Hạ, thị trấn Kinh Môn muốn tiếp tục sản xuất đến hết lộ trình của UBND tỉnh
Huyện cũng lập danh sách những lò vôi phải giải tỏa, xây dựng kế hoạch và tổ chức xóa bỏ các lò vôi không đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Đối với các cơ sở có đủ điều kiện thì hoàn thiện thủ tục theo quy định và cũng chỉ được phép hoạt động đến 31.12.2019. Trong số các lò vôi đang hoạt động, có 4 lò phải dừng trước 31.6.2018 và 19 lò phải dừng sản xuất trước 31.6.2019. Những cơ sở còn lại phải dừng sản xuất và xóa bỏ trước 31.12.2019.
Khó cũng làm
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết để xây dựng được một lò vôi thủ công, người dân và doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều tiền. Thế nhưng đến nay, tỉnh vẫn chưa có bất kỳ một cơ chế nào để hỗ trợ cho những cơ sở này. Huyện cũng chỉ hỗ trợ được cho các hộ cá thể, nhưng mức hỗ trợ rất thấp, chỉ 20 triệu đồng/buồng đốt nếu xóa từ ngày 26.4 - 21.12.2018; 10 triệu đồng/buồng đốt nếu xóa từ ngày 1.1.2019 - 31.8.2019. Từ ngày 1.9.2019, các hộ phải tự tháo dỡ mà không nhận được hỗ trợ. Do mức hỗ trợ thấp nên chưa khuyến khích được người dân tự nguyện tháo dỡ. Vì vậy, đến thời điểm này mới có 7 lò với 12 buồng đốt được tháo dỡ.
Khó thực hiện là nhận định của hầu hết lãnh đạo các xã, thị trấn có lò vôi thủ công trên địa bàn huyện Kinh Môn. Ông Trần Khắc Quyền, Chủ tịch UBND thị trấn Minh Tân cho biết trên địa bàn thị trấn có 3 cơ sở sản xuất vôi với 6 lò, 13 buồng đốt. Sau khi có kế hoạch của UBND huyện, thị trấn đã làm việc với các chủ lò, yêu cầu ký cam kết dừng sản xuất theo quy định của UBND huyện.
Một lò vôi xuống cấp, sạt một bên vách đã dừng sản xuất
Đã có 2 chủ lò ở khu Áng Bát cam kết dừng sản xuất và xóa bỏ lò vôi thủ công xong trước ngày 30.6.2018. Mặc dù vậy, đến thời điểm này, lò vôi của các hộ này vẫn đang hoạt động. Ông Nguyễn Văn Chá, chủ lò vôi ở khu Áng Bát, thị trấn Minh Tân cho biết: "Chúng tôi mới đầu tư cải tạo, sửa chữa lại lò với kinh phí khá lớn. Mấy năm qua, sản xuất, tiêu thụ vôi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi mong UBND huyện cho phép tiếp tục sản xuất đến hết lộ trình của UBND tỉnh để có thể thu hồi phần nào vốn đã bỏ ra". Hầu hết các chủ lò vôi được hỏi đều mong muốn được tiếp tục sản xuất đến hết lộ trình của UBND tỉnh. Nếu phải tháo dỡ ngay, UBND huyện Kinh Môn cần nâng mức hỗ trợ để các chủ lò vôi đỡ thiệt thòi.
Mặc dù các chủ lò vôi kiến nghị cho tiếp tục sản xuất nhưng quan điểm của UBND huyện Kinh Môn rất rõ ràng: dừng hoạt động, tháo dỡ ngay những lò không đủ điều kiện an toàn chịu lực, an toàn vận hành lò, vi phạm về môi trường cũng như không chấp hành tốt quy định về đất đai, tài chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc dừng hoạt động các lò vôi thủ công theo lộ trình của UBND tỉnh là cần thiết nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe của người dân khu vực, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Tai nạn lò vôi làm 5 người chết Khoảng 14 giờ, ngày 3.7.2016, lò vôi của ông Nguyễn Văn Văn ở khu 6, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) bị sập khiến 5 người tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra tai nạn có 5 lao động đang thực hiện việc tu sửa trong lò vôi gồm: Nguyễn Văn Luân (23 tuổi ở khu 6, thị trấn Phú Thứ), Trần Văn Dũng (28 tuổi, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), Nguyễn Văn Ví (59 tuổi ở khu 6, thị trấn Phú Thứ), Trương Văn Côi (59 tuổi ở khu 6, thị trấn Phú Thứ) và Trương Văn Bưởi (48 tuổi khu 5, thị trấn Phú Thứ). Nguyên nhân là do lò vôi của ông Văn được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp. Ngày 3-7, gia đình ông Văn thuê người tu sửa, trong quá trình tu sửa, phần bên trong của lò bất ngờ đổ sập dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc. |
VỊ THỦY – NGỌC THỦY