Tượng đài Trần Hưng Đạo tại đền Cao An Phụ là điểm đến tâm linh của nhiều du khách thập phương
Được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt với phong cảnh hữu tình cùng hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh phong phú, thị xã Kinh Môn đang tập trung khai thác các lợi thế để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Giàu tiềm năng
Kinh Môn có 202 di tích, phân bổ đều trên địa bàn thị xã. Trong 37 di tích được xếp hạng có 1 quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh. Phần lớn các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo.
Nổi bật là quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2016. Quần thể nằm ở 12 phường, xã, rộng gần 2.030 ha, có nhiều di tích mang ý nghĩa tâm linh và lịch sử. Đền Cao An Phụ trên dãy núi An Phụ được xây dựng vào thời Trần, thờ An Sinh Vương Trần Liễu, cha của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là điểm đến tâm linh hấp dẫn cho du khách thập phương. Động Kính Chủ nằm ở dãy núi đá vôi Dương Nham, được mệnh danh là 1 trong 6 động đẹp nhất trời Nam. Ngoài động chính, ở đây còn nhiều hang động nhỏ nhưng rất độc đáo như hang Vang, Luồn, Tiên Sư... Điểm hấp dẫn du khách khi đến với Kính Chủ chính là hơn 40 văn bia Ma Nhai khắc vào đá. Núi Nhẫm Dương cũng có hàng chục hang động còn lưu giữ hiện vật của thời tiền sử thu hút sự chú ý của giới khảo cổ và du khách thập phương...
Bên cạnh sự đa dạng, phong phú của các di tích, cơ sở hạ tầng du lịch của thị xã tương đối bảo đảm. Thị xã có 34 cơ sở kinh doanh lưu trú với 485 phòng đủ tiêu chuẩn. Hệ thống giao thông của Kinh Môn đồng bộ tạo thuận lợi cho người dân đi lại và sự liên kết vùng trong phát triển kinh tế cũng như du lịch. Các tuyến đường vào di tích, nhất là di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được tu sửa, nâng cấp bảo đảm an toàn cho khách tham quan, chiêm bái với số lượng lớn.
Ngoài tiềm năng vốn có, Kinh Môn còn có lợi thế khi nằm liền kề với TP Chí Linh, nơi có quần thể di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, gần khu du lịch Yên Tử (Quảng Ninh)... có thể kết hợp tạo thành chuyến du lịch tâm linh hấp dẫn.
Kinh Môn sẽ phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch nông nghiệp
Tập trung khai thác
Những năm qua, để phát triển du lịch, Kinh Môn đã đầu tư kinh phí, phối hợp tuyên truyền, quảng bá các di tích, danh lam thắng cảnh của thị xã thông qua các chương trình "Đi đâu, ăn gì?", "Kinh Môn - Miền di sản" trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình các tỉnh, thành phố lân cận. Địa phương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo về phát triển du lịch, in và phát tờ rơi về các di tích quốc gia, các điểm văn hóa tâm linh, văn hóa ẩm thực, các làng nghề, vùng chuyên canh trên địa bàn và phát miễn phí cho khách tham quan. Phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam biên soạn, xuất bản cuốn sách "Đến với vùng văn hóa Kinh Môn"...
Mặc dù vậy, những năm qua, Kinh Môn mới tập trung khai thác du lịch tâm linh, tín ngưỡng và tập trung vào một số di tích trọng điểm như đền Cao An Phụ, động Kính Chủ, Nhẫm Dương. Địa phương chủ yếu thu hút khách vào mùa lễ hội, lượng khách các tháng còn lại trong năm ít. Việc đầu tư các khu vui chơi, giải trí, mua sắm, trạm dừng chân, các dịch vụ du lịch chưa xứng tầm. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn thị xã...
Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn liền với những sản phẩm đặc trưng, lợi thế cạnh tranh, những năm tới, thị xã Kinh Môn sẽ phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Ngoài các hoạt động du lịch tâm linh, tín ngưỡng, Kinh Môn chú trọng các loại hình du lịch làm nông nghiệp, khám phá các làng nghề truyền thống như nghề làm mỳ Tống Xá, giò chả, bánh chưng, bánh dày Tống Buồng (phường Thái Thịnh), chạm khắc đá Dương Nham (phường Phạm Thái), bột sắn dây (xã Thượng Quận), trồng cam (phường Thất Hùng), nuôi đà điểu, rươi cáy (phường Minh Tân)... Tổ chức các hoạt động du lịch văn hóa, tham dự các lễ hội văn hóa dân gian, các di tích liên quan đến các danh nhân và các sự kiện lịch sử. Chú trọng hoạt động du lịch cộng đồng để khách nghỉ tại nhà dân, hưởng thụ cuộc sống thôn xóm, làng quê, tìm hiểu khám phá hệ sinh thái núi, sông... Du khách cũng có thể trải nghiệm cuộc sống của nhà nông thông qua công việc đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi... Thị xã Kinh Môn cũng đã xây dựng cụ thể tuyến du lịch nội vùng để liên kết các điểm tham quan tại các phường, xã.
Để thực hiện kế hoạch đề ra, trong giai đoạn 2021-2025, thị xã Kinh Môn sẽ dành trên 54 tỷ đồng cho các hoạt động phát triển du lịch, trong đó tập trung bảo tồn, tôn tạo di tích và tài nguyên du lịch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch, phát triển các sản phẩm, quảng bá du lịch, đào tạo nhân lực. "Những năm tới, Kinh Môn sẽ coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Địa phương sẽ tập trung nguồn nhân lực, xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu này", bà Nguyễn Thị Kha, Trưởng Phòng Văn hóa thị xã Kinh Môn cho biết.
THANH HÀ