Kinh Môn chuyển mình trong niềm vui mới

10/12/2017 05:00

Trong mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười của người dân Kinh Môn luôn ánh lên niềm phấn khởi khi Kinh Môn trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh.


Một góc thị trấn Kinh Môn

Khi người dân chung sức, đồng lòng  

Năm 2011, khi bắt đầu chương trình xây dựng NTM, huyện Kinh Môn đã phải đối mặt với bao bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Thời điểm đó, theo rà soát, đánh giá, 22 xã của huyện chỉ đạt bình quân 9,2 tiêu chí/xã, nhiều xã mới đạt từ 5 - 6 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng nông thôn gồm đường giao thông, thủy lợi, các thiết chế văn hóa còn thiếu, không đồng bộ, nguồn lực không có. Đời sống của người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Bắt tay xây dựng NTM trong khi người dân còn xa lạ với khái niệm này, chưa hiểu xây dựng NTM sẽ đem lại lợi ích gì, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến xã lo ngại trước rất nhiều công việc. Bài toán về nguồn lực đầu tư xây dựng NTM còn loay hoay chưa có hướng giải đáp.

Giữa những bộn bề khó khăn, thiếu thốn đó, huyện xác định trước mắt cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng để thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong mọi chương trình, hành động. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhờ đó, chương trình xây dựng NTM được triển khai thực hiện nhanh, gọn, đạt kết quả cao.

Ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, năm 2011 huyện Kinh Môn đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo, quản lý điều hành xây dựng NTM từ huyện đến xã. Ban chỉ đạo các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Nhìn lại quá trình xây dựng NTM, chỉ trong 6 năm 2011 - 2017, huyện đã đầu tư 2.800 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có 700 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại đến từ sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và vốn vay tín dụng. Cùng với đó là hàng nghìn ngày công lao động, hàng vạn m2 đất ở, đất 03 do người dân hiến tặng phục vụ dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông hoặc xây dựng các công trình an sinh xã hội. Chính sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, các tổ chức, đoàn thể thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động thiết thực và hiệu quả, là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM, tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu.

Xây dựng hạ tầng đồng bộ

Nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân, huyện xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, quan trọng nhất trong xây dựng NTM. Từ năm 2011 đến nay, huyện Kinh Môn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống giao thông, thủy lợi khu vực nông thôn phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi các xã thực hiện thành công đề án dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Những con đường bê tông rộng dài, thẳng tắp nối liền những địa phương, hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất, quy vùng tập trung đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân, tạo sự tin tưởng vào phong trào xây dựng NTM. Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa, UBND huyện Kinh Môn đã ban hành đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xây dựng NTM”. Đề án góp phần tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp với nhiều vùng sản xuất tập trung đem lại giá trị kinh tế cao từ các loại nông sản đặc sản như nếp cái hoa vàng, hành, tỏi, cam, ổi, sắn dây, cá lồng, rươi... Sản phẩm hành, tỏi, nếp cái hoa vàng, sắn dây đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Hành, tỏi và nếp cái hoa vàng Kinh Môn cũng vừa được bình chọn là “Thương hiệu vàng” năm 2017.

Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống các thiết chế văn hóa, công trình phục vụ giáo dục, y tế cũng được đầu tư, xây dựng khang trang, hiện đại. Với mục tiêu "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, trong những năm qua, hệ thống cơ sở trường lớp ở cả 4 bậc học trên địa bàn huyện đều được đầu tư, nâng cấp xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố. Cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc y tế cho người dân nông thôn được nâng cao.

Sau 6 năm xây dựng NTM, với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể và nhân dân, huyện Kinh Môn đã về đích xây dựng NTM trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra. Phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa rộng khắp, nhiều cơ sở có các sáng kiến, cách làm hay; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Môi trường sinh thái từng bước được cải thiện. Hệ thống chính trị, tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định và giữ vững.

Thành quả trong xây dựng NTM ở Kinh Môn đã khẳng định tinh thần quyết tâm cao độ, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở cùng sự đồng lòng, ủng hộ của toàn thể nhân dân. Quá trình xây dựng NTM đã tạo ra diện mạo nông thôn hiện đại, giàu sức sống nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

NGUYỄN MINH HÙNGTỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kinh Môn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh Môn chuyển mình trong niềm vui mới