Kinh doanh ẩm thực theo trào lưu: Sớm nở tối tàn

30/05/2017 05:16

Khi những “cơn sốt” mì cay 7 cấp độ, mì bay... qua đi thì những hàng quán kinh doanh ẩm thực chạy theo phong trào dần lụi tàn.



Hiện nay lượng khách tới các quán mỳ cay giảm đáng kể


Thời gian qua, tại TP Hải Dương nhiều “mốt” ẩm thực mới lạ được thực khách săn đón và trở thành những “cơn sốt”, nhất là với giới trẻ. Nhiều hàng quán kinh doanh những món ăn lạ đã lần lượt ra đời. Khi những “cơn sốt” qua đi thì những hàng quán kinh doanh ẩm thực chạy theo phong trào dần lụi tàn.

Ăn theo trào lưu

Cuối năm 2016, mỳ cay đã tạo nên “cơn sốt” ở TP Hải Dương. Những ngày đầu khi mới xuất hiện, các cửa hàng kinh doanh món ăn này luôn chật cứng. Thực khách phải xếp hàng dài chờ đợi. Chỉ sau mấy tháng, các cửa hàng kinh doanh món ăn mới này đã rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí phải đóng cửa. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chủ quán mỳ cay 7 cấp độ Busan ở phố Bắc Sơn (TP Hải Dương) cho biết: “Trước đây, trung bình mỗi ngày quán bán từ 800-1.000 suất thì nay chỉ còn 400-500 suất dịp cuối tuần, 200-300 suất vào những ngày trong tuần”.

Xuất hiện sau mỳ cay không lâu, mỳ bay được biết đến với cách tạo hình lạ mắt. Những sợi mỳ được vắt trên một que hình trụ cố định với đôi đũa tre, trông giống như những sợi mỳ đang “bay” lơ lửng. Lẩu mỳ bay 55k tại số 86 Tuệ Tĩnh kéo dài là nơi kinh doanh loại mỳ độc đáo này. Tuy nhiên, sau một thời gian chúng tôi tìm đến địa chỉ này thì quán mỳ bay đã được thay bằng một trung tâm làm đẹp. Hiện tại, món mỳ bay đã không còn xuất hiện tại TP Hải Dương.

Các món ăn mới lạ gây sốt thời gian qua một phần do sự “lăng xê” của cộng đồng mạng. Giới trẻ chưa cần biết món ăn ngon, bổ ra sao, chỉ cần lạ, “độc” là thi nhau tìm tới thưởng thức, chụp hình, đăng tải lên mạng xã hội. Nhiều người không thích mỳ cay sau khi thưởng thức nó nhưng cũng thử một lần cho biết. Nguyễn Thị Lan, sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương chia sẻ: “Khi ăn bát mỳ cay bò em không thấy vị bò đâu nữa mà chỉ thấy rất cay và nóng. Em đã không ăn hết bát mỳ”. Đương nhiên là những thực khách chỉ ăn cho biết như bạn Lan khi thấy không hợp khẩu vị sẽ một đi không trở lại.

Trước đây, trung bình mỗi ngày quán bán từ 800-1.000 suất thì nay chỉ còn 400-500 suất dịp cuối tuần, 200-300 suất vào những ngày trong tuần.


Việc kinh doanh ẩm thực theo trào lưu chẳng khác nào con dao 2 lưỡi. Bởi khi món ăn là xu thế, khách hàng sẽ tự tìm tới quán mà không cần nhiều chiêu thức PR, quảng cáo. Món ăn theo trào lưu khác với món ăn phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống. Bởi vậy, những món ăn này chỉ thu hút khách trong một khoảng thời gian nhất định. Khi sự hiếu kỳ của thực khách đã hết, “cơn sốt” sẽ xẹp xuống như bóng xì hơi và món ăn đó sẽ bị thay thế bởi món khác. Theo ông Nguyễn Xuân Lương, giảng viên chuyên ngành kỹ thuật chế biến món ăn của Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại: “Món mỳ cay xuất phát từ đất nước Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có khí hậu hàn đới, vì vậy khi tới Việt Nam với khí hậu nhiệt đới sẽ không phù hợp. Việc nhiều hàng quán kinh doanh mỳ cay xuất hiện chỉ là trào lưu. Hơn nữa, việc ăn quá cay sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe”.

Làm gì để tồn tại?

Quán ăn muốn giữ chân khách hàng cần tạo được sự tin cậy của họ chứ không phải lợi dụng tâm lý tò mò, hiếu kỳ của thực khách. Mỗi khách hàng có sở thích, khẩu vị riêng. Họ có vô vàn lựa chọn giữa nhiều món ăn, nhà hàng khác nhau. Khi lượng khách hàng bị xé lẻ bởi các hàng ăn kinh doanh cùng loại thì sức ép đối với các quán kinh doanh ẩm thực lại càng cao.

Khi mỳ cay xuất hiện, hàng loạt quán mở ra. Sau một thời gian, thực khách nhanh chóng tìm ra quán “ruột” của mình. Bởi thế, những quán còn lại sẽ dần thưa khách. Việc phải đóng cửa hàng, chuyển hướng kinh doanh là quy luật đào thải tất yếu của thị trường.

Để thành công trong kinh doanh ẩm thực, các nhà hàng cần lên kế hoạch cụ thể, vạch ra hướng đi trong từng giai đoạn. Nguyên liệu sạch, giá phải chăng, món ăn ngon, phục vụ chu đáo là những điểm cộng giúp các nhà hàng tồn tại và khẳng định tên tuổi. Cũng theo giảng viên Nguyễn Xuân Lương, nếu lựa chọn ẩm thực là hướng kinh doanh thì cần tìm hiểu khẩu vị từng vùng, bên cạnh yếu tố mới lạ, cần phải biến tấu linh hoạt cho phù hợp thì mới tồn tại lâu dài.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chủ quán mỳ cay 7 cấp độ Busan chia sẻ: “Để giữ chân khách hàng đến với quán, bên cạnh việc tạo ra bí quyết làm cho món ăn hấp dẫn hơn thì việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng”. Quán của chị Hạnh rất chú trọng khâu chăm sóc khách hàng như liên tục cập nhật thông tin món ăn, chương trình khuyến mãi trên mạng xã hội. Thực khách là những người rành ăn, luôn cập nhật những xu hướng ẩm thực mới. Thường xuyên bổ sung những món mới lạ, hấp dẫn vào thực đơn để thu hút và giữ chân khách hàng là hết sức cần thiết.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh doanh ẩm thực theo trào lưu: Sớm nở tối tàn