Ngày 9.3, gia đình ông Trần Văn Biên ở thôn Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành (Kim Thành) phát hiện đàn lợn 22 con bị ốm.
Khu vực chuồng trại của gia đình ông Trần Văn Biên được rắc vôi bột khử trùng
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng đã xác định đàn lợn của gia đình ông Biên mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tại thôn Dưỡng Thái Bắc sáng 11.3, tất cả các con đường dẫn vào thôn đều được phủ trắng lớp vôi bột khử trùng. Cả 3 chốt kiểm dịch đều có người thường trực 24/24 giờ, cán bộ thú y phun thuốc khử trùng khắp các đường thôn, xóm. Được biết trước khi xuất hiện lợn ốm chết, gia đình ông Biên thường đi thu gom thực phẩm thừa từ các quán cơm, phở trong xã làm thức ăn cho lợn.
Ông Lê Quang Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết mặc dù phát hiện ổ dịch trên địa bàn vào ngày nghỉ nhưng cán bộ thú y và các ban, ngành địa phương đã kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh, phối hợp với các đơn vị liên quan để tiêu hủy số lợn mắc bệnh ngay trong đêm 10.3.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bố trí mỗi chốt kiểm dịch của xã 1 cán bộ thú y để tăng cường giám sát, phòng ngừa mầm bệnh phát sinh từ các phương tiện ra, vào vùng dịch. Xã Phúc Thành lưu ý người chăn nuôi lợn thận trọng khi sử dụng thực phẩm thừa của các quán cơm, phở làm thức ăn cho lợn vì rất có thể đây cũng là nguyên nhân gây bệnh tả châu Phi.
Tại các hộ chăn nuôi lợn ở các xã, thị trấn trong huyện Kim Thành, công tác phòng chống dịch cũng được tăng cường. Ông Trần Văn Ngữ ở thôn Xuân Mang, xã Tuấn Hưng - một chủ hộ chăn nuôi vừa có lợn chết vào đầu tháng 3 cho biết: "Mặc dù kết quả xét nghiệm của cơ quan thú y kết luận lợn của gia đình tôi không mắc dịch tả lợn châu Phi. Song hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, những ngày qua, gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, phun thuốc khử trùng tiêu độc"...
Xã Phúc Thành lập 3 chốt kiểm dịch, bố trí người trực 24/24 giờ trong ngày
Là một trong những nơi có tổng đàn lợn lớn nhất huyện, những ngày này, xã Cộng Hòa đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, Ban Chăn nuôi thú y xã xuống tận các gia đình kiểm tra, nắm bắt tình hình đàn lợn để có biện pháp phòng chống phù hợp.
Ông Đào Quang Thảnh, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết hiện tại dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện trên địa bàn nhưng không vì thế mà địa phương chủ quan, lơ là. Quan điểm của xã "phòng là chính". Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, tổ chức vệ sinh tiêu trùng, khử độc, xã giao cho lực lượng thú y, công an kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực chăn nuôi, các hộ kinh doanh thịt lợn, các sản phẩm từ lợn trên địa bàn để ngăn chặn, hạn chế thấp nhất khả năng dịch bệnh xâm nhiễm trên địa bàn.
Sáng 11.3, UBND huyện Kim Thành họp khẩn với các cơ quan chức năng để triển khai các các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời công bố dịch tả lợn châu Phi tại xã Phúc Thành. Trước mắt, huyện ưu tiên cho công tác dập dịch, khoanh vùng ổ dịch, ngăn chặn lây lan ra các địa phương khác. Đối với các xã, thị trấn chưa có dịch tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch và đề nghị các hộ thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không giết mổ, tiêu thụ; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt) theo quy định của Luật Thú y. Đến nay, huyện Kim Thành đã cấp phát gần 300 lít hóa chất, 80 bộ quần áo bảo hộ, 200 mũ, khẩu trang, 21 bình bơm cho các cơ sở để phòng chống dịch tả lợn châu Phi....
TRƯƠNG HÀ