Bộ trưởng Hội nhập châu Âu-Đại Tây Dương của Ukraine, Olga Stefanishina tuyên bố ngày 1.12 rằng đã có sự đồng thuận trong nội bộ NATO rằng Ukraine cần phải trở thành thành viên của khối.
Bộ trưởng Hội nhập châu Âu-Đại Tây Dương của Ukraine, Olga Stefanishina tuyên bố ngày 1.12 rằng đã có sự đồng thuận trong nội bộ NATO rằng Ukraine cần phải trở thành thành viên của khối. Bà nói thêm, sự phản đối của Budapest đối với sự gia nhập của Ukraine - do tranh chấp về người dân tộc Hungary sống ở Ukraine - sẽ bị khắc phục bằng "các công cụ chính trị".
Tuy vậy phát biểu của Bộ trưởng Stefanishina được cho là khác với tình hình thực tế. Theo đài RT, một số thành viên nổi bật nhất của khối quân sự do Mỹ lãnh đạo, bao gồm Pháp và Đức, được biết là có những do dự về việc cho phép Ukraine tham gia NATO. Hơn nữa, các tranh chấp lãnh thổ của Ukraine với Nga được cho là gây khó diễn giải theo các quy tắc hiện hành của khối quân sự này.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Kiev, Bộ trưởng Stefanishina cho biết: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong vấn đề xích lại gần NATO hơn. Tại hội nghị thượng đỉnh cấp bộ trưởng gần đây nhất ở Bucharest, tất cả 30 quốc gia thành viên đã đồng ý về sự cần thiết phải cung cấp tư cách thành viên cho Ukraine.”
Các báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây về việc Bucharest phản đối nhìn chung là trái ngược với cách giải thích của bà Stefanishina. Trong khi đó, trang web riêng của NATO lại nhấn mạnh nhiều hơn đến Trung Quốc trong phần kết thúc hội nghị thượng đỉnh.
Bà Stefanishina nhấn mạnh: “Các thành viên NATO xác nhận rằng cánh cửa liên minh đang rộng mở với Ukraine", đồng thời cho rằng sự đồng thuận là một “tín hiệu mạnh mẽ mới” cho thấy “không ai e sợ áp lực từ Nga”.
Hungary tiếp tục phản đối sự gia nhập của Ukraine tại các cuộc họp chính thức của NATO, nhưng điều này đã "trở thành một vấn đề" đối với khối này, Bộ trưởng Stefanishina phát biểu tại Kiev. Bà cho biết NATO hiện đang sử dụng “tất cả các công cụ chính trị gây áp lực để thuyết phục Hungary từ bỏ gây cản trở".
Bà Stefanishina không nói rõ về hình thức mà áp lực đó có thể gây ra.
Trước đó, ngày 30.11, EU tuyên bố sẽ giữ lại hàng tỷ USD tài trợ cho Hungary cho đến khi nước này tuân thủ 27 “cột mốc quan trọng” do Brussels đặt ra. Số tiền này bao gồm cứu trợ đại dịch và quỹ “gắn kết” nhằm san bằng bất bình đẳng xã hội trong khối.
Hungary đã tỏ ra hoài nghi về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest, với việc Ngoại trưởng Peter Szijjarto lập luận rằng một quốc gia chỉ có thể gia nhập khối nếu quốc gia đó “không đe dọa mà còn tăng cường an ninh cho các thành viên hiện có”.
Ông Szijjarto cũng đã nhắc lại rằng Budapest sẽ “không đồng ý tổ chức một cuộc họp chính thức của Ủy ban NATO-Ukraine cho đến khi người Hungary ở Transcarpathia được khôi phục các quyền của họ.”
Ông nói thêm: “Chúng tôi không thể và không muốn rút lui khỏi lập trường này, đồng thời giải thích rằng mặc dù Budapest không nêu vấn đề kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine vào tháng 2, nhưng họ cũng không quên điều đó.
Theo Báo Tin tức