Những cha mẹ dạy con kỹ năng xã hội, xây dựng mối quan hệ gắn bó với con sẽ dễ nuôi dạy những đứa trẻ mạnh mẽ, thành công trong tương lai.
1. Biết dạy con các kỹ năng xã hội: Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Pennsylvania và Đại học Duke (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu kéo dài 20 năm, theo dõi 700 trẻ em tại Mỹ để tìm mối tương quan giữa kỹ năng xã hội ở tuổi mẫu giáo và sự thành công ở tuổi trưởng thành. Nghiên cứu này được công bố kết quả vào năm 2015 trên tạp chí American Journal of Public Health, cho thấy những đứa trẻ có năng lực xã hội sẽ biết cách hợp tác, giúp đỡ người khác mà không cần người khác nhắc nhở. Bên cạnh đó, các em cũng biết tự giải quyết vấn đề, tự lập và có khả năng tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm ổn định. |
2. Cho con làm việc nhà từ sớm: Nghiên cứu kéo dài 75 năm mang tên Harvard Grant Study của trường Y Havard (Mỹ) đã chỉ ra những đứa trẻ làm việc nhà từ sớm có khả năng thành công cao hơn. Các em có xu hướng độc lập, tự biết chăm sóc bản thân và có trách nhiệm với những tình huống xung quanh. Julie Lythcott-Haims, tác giả của cuốn sách How to Raise an Adult, đồng tình với kết quả nghiên cứu này. Bà cho rằng những đứa trẻ được dạy làm việc nhà từ sớm sẽ trở thành những người biết hợp tác và có thể đảm nhận công việc một cách độc lập. |
3. Duy trì quan hệ lành mạnh với bạn đời: Một nghiên cứu của Đại học Illinois (Mỹ) chỉ ra trẻ em trong các gia đình xảy ra xung đột có xu hướng phát triển kém hơn trẻ được sống trong gia đình cha mẹ hòa thuận. Mâu thuẫn của cha mẹ trước khi ly hôn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Giáo sư Robert Hughes Jr., người tham gia nghiên cứu này, lưu ý thêm những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình đơn thân có xu hướng phát triển tốt hơn trẻ sống trong các gia đình bất hòa. |
4. Thân thiết, gắn bó với con: Nghiên cứu năm 2014 với 243 người tại Mỹ cho thấy những đứa trẻ được cha mẹ chăm sóc, gắn bó gần gũi trong 3 năm đầu đời có khả năng học tập tốt và giỏi trong việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Cụ thể, cha mẹ là những người gắn bó mật thiết, tạo cảm giác an toàn và là tấm gương cho trẻ trong thời gian hình thành thế giới quan và lối sống. "Các khoản đầu tư vào mối quan hệ cha mẹ - con cái sẽ mang lại lợi nhuận tích lũy lâu dài cho mỗi đứa trẻ trong suốt cuộc đời", nhà tâm lý học Lee Raby tại Đại học Minnesota (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, khẳng định. |
5. Không truyền năng lượng tiêu cực cho con: Emotional contagion (tạm dịch: Lây lan cảm xúc) là hiện tượng tâm lý khi con người "bắt sóng" cảm xúc từ người khác. Điều này giải thích lý do khi cha mẹ vui vẻ, trẻ sẽ vui vẻ. Ngược lại, khi cha mẹ căng thẳng, mệt mỏi, những năng lượng tiêu cực này sẽ truyền sang trẻ và khiến các em mệt mỏi, ủ rũ theo. Những cha mẹ tâm lý sẽ biết gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực trước khi về nhà. Cách làm này sẽ hạn chế không khí tiêu cực trong gia đình, trẻ sẽ luôn thấy vui vẻ, nhiều năng lượng khi được ở cạnh cha mẹ. |
6. Cho phép con thất bại: Những cha mẹ thông minh thường cho phép con thất bại để rút ra bài học cho bản thân, thay vì bắt con trốn tránh những sai lầm của mình. Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, nhà tâm lý học Carol Dweck của Đại học Stanford (Mỹ), phát hiện con người thường nghĩ về thành công theo hai hướng, gọi là "tư duy cố định" và" tư duy phát triển". Tư duy cố định thường hướng đến những quan điểm cho rằng trí thông minh, khả năng sáng tạo của con người là không thể thay đổi. Tư duy phát triển thường có ở những người dám đối mặt với thử thách, coi thất bại không phải bằng chứng của kém thông minh, mà là bàn đạp cho sự phát triển lâu dài. Theo Zing |