Mỗi tàu sân bay thường dẫn đầu một nhóm tác chiến với hàng loạt chiến hạm hộ tống và phụ trách một khu vực nhất định trên biển, có khả năng đánh bại nhiều đối thủ nhờ ưu thế về số lượng và công nghệ. Tuy nhiên, Mỹ có thể phải kết hợp ít nhất hai nhóm tác chiến tàu sân bay cùng lúc chỉ cho một mặt trận nếu nổ ra xung đột quy mô lớn với Nga hoặc Trung Quốc, theo giới chuyên gia.
Không đoàn trên tàu sân bay Mỹ có hơn 60 máy bay các loại, trong đó vũ khí chủ lực là các phi đoàn tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet. Sự kết hợp giữa hai tàu sân bay giúp hải quân Mỹ có tổng cộng 100-150 máy bay các loại cho một nhiệm vụ.
Mỹ hồi tháng 8.2018 triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman và USS Abraham Lincoln diễn tập phối hợp tác chiến ở vùng biển Tây Đại Tây Dương. Trong cuộc diễn tập này, hai tàu sân bay có tổng cộng 9 phi đoàn Super Hornet, mỗi phi đoàn có 12 chiến đấu cơ.
Bản thân tàu sân bay không có vũ khí tiến công, nên các phi đoàn F/A-18E/F đóng vai trò là mũi nhọn tấn công trong mọi chiến dịch, cũng như là lớp phòng thủ đầu tiên chống lại đòn phản công bằng máy bay, tàu chiến và tên lửa hành trình của đối phương.
Những chiếc Super Hornet có khả năng mang nhiều vũ khí như pháo 20 mm, tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, tên lửa đối đất AGM-65 Maverick và AGM-84E SLAM, tên lửa chống hạm AGM-84D Harpoon và diệt radar AGM-88 HARM, cùng hàng loạt mẫu bom thông thường và dẫn đường.
Dàn vũ khí này cho phép những chiếc Super Hornet trên một tàu sân bay Mỹ có thể dễ dàng làm chủ bầu trời và tiến hành các chiến dịch không kích quy mô chống phiến quân Hồi giáo ở Trung Đông. Tuy nhiên, chúng sẽ gặp khó khăn lớn nếu gặp những đối thủ có quân đội mạnh, được trang bị nhiều máy bay hiện đại. "Điều đó buộc hải quân Mỹ dùng đến hai tàu sân bay để bảo đảm ưu thế số lượng", nhà phân tích Logan Nye của WATM nhận xét.
Ngay cả khi loại bỏ được lực lượng không quân đối phương, không đoàn trên hạm của Mỹ vẫn phải đối mặt với những mạng lưới phòng không dày đặc, kết hợp nhiều loại tên lửa có tầm bắn và khả năng đánh chặn khác nhau.
Vũ khí chủ lực để đối phó mối đe dọa này là tên lửa chống radar AGM-88 HARM. Mỗi quả đạn có tầm bắn 150 km, ngoài phạm vi đánh chặn của phần lớn hệ thống phòng không trên thế giới, giúp những chiếc F/A-18E/F không phải bay vào khu vực nguy hiểm. Tốc độ tối đa gần 2.300 km/h cũng khiến tên lửa HARM khó bị đánh chặn và rút ngắn thời gian đến mục tiêu so với các tên lửa đời cũ.
Kết hợp với HARM là các quả đạn AGM-84E, có khả năng đánh trúng mục tiêu cố định từ khoảng cách 110 km, cho phép các phi đoàn Super Hornet tập kích mục tiêu có giá trị cao như sở chỉ huy, sân bay, cảng biển, trận địa phòng không và kho xăng dầu của đối phương.
Máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye là yếu tố không thể thiếu trong mọi chiến dịch của tàu sân bay nhờ khả năng điều phối tác chiến cho các phi đoàn Super Hornet, cũng như phát hiện sớm đòn tập kích của đối phương. Nó đóng vai trò tai mắt cho tàu sân bay, nhất là khi các phi đoàn hoạt động ở tầm xa, ngoài khả năng theo dõi của radar trong nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm.
Khi kết hợp với tiêm kích F/A-18E/F hoặc tàu chiến trang bị hệ thống tác chiến Aegis nhờ đường truyền dữ liệu tốc độ cao, phi đội Hawkeye có thể bao quát toàn bộ chiến trường trong phạm vi hàng trăm km, đồng thời tăng khả năng phát hiện tiêm kích tàng hình đối phương.
Nếu đối phương triển khai tàu ngầm tấn công, các phi đoàn trực thăng săn ngầm và tàu ngầm tấn công sẽ tạo thành lớp phòng thủ nhiều tầng để bảo vệ từ dưới lòng biển. Trong khi đó, tàu khu trục và tuần dương hạm trang bị hệ thống Aegis sẽ bắn hạ tên lửa đạn đạo đối phương.
"Hải quân Mỹ hiện có 11 tàu sân bay, đa phần nằm tại cảng nhà. Họ hiếm khi triển khai đồng thời hai nhóm tác chiến tàu sân bay cho một nhiệm vụ, trừ trường hợp phô diễn sức mạnh hoặc huy động lực lượng tham gia chiến dịch lớn có tính quyết định. Một trong những kịch bản tiềm tàng chính là nổ ra chiến tranh với Trung Quốc hoặc Nga", chuyên gia Nye nhận định.
Theo VnExpress