Khủng hoảng Ukraine: "Giờ G" 16-2 của Washington có đáng tin?

14/02/2022 17:30

Có lẽ nỗi lo trước "giờ G" theo cảnh báo của Washington đã khiến Kiev, vào ngày 13.2, đã yêu cầu một cuộc họp với Nga và tất cả các quốc gia thành viên "Văn kiện Vienna" trong vòng 48 giờ.

Khủng hoảng Ukraine: Giờ G 16-2 của Washington có đáng tin? - Ảnh 1.

Tiêm kích của Anh hộ tống máy bay ném bom B-52 của Mỹ khi nó tới Anh ngày 10.2 giữa lúc căng thẳng Nga - phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt - Ảnh: REUTERS

Một trong những cảnh báo của các nhà phân tích chính trị là cuộc chiến tại Ukraine có thể bắt nguồn từ sự khiêu khích, có nguy cơ trở thành sự thật: ngày 12.2 xuất hiện tin về "một tiếng nổ lớn chấn động Donetsk", nhưng sau đó đã bị các phương tiện truyền thông chính thống bác bỏ.

Theo trang Lenta.ru của Nga, ông Patrick Lancaster, một nhà báo Mỹ độc lập, tác chiến từ Donetsk, là người đầu tiên loan tin về tiếng nổ lớn. 

"Vụ nổ" loang ra

Trên tài khoản Twitter của mình, Patrick Lancaster viết: "Tôi vừa nghe thấy một tiếng nổ mạnh từ trung tâm Donetsk. Không quá gần, nhưng có thể nghe rõ ở trung tâm" và còn cho biết thêm vụ nổ xảy ra ở "phía tây bắc trung tâm thành phố".

Thông tin về vụ việc sau đó được các tài khoản Telegram của Military Observer và WarGonzo xác nhận. 

Theo đó, tác động của vụ nổ "được cảm nhận khắp thành phố" chỉ ra rằng vụ nổ có thể xảy ra trên lãnh thổ Ukraine, "trên phần lãnh thổ Donetsk do phía Ukraine kiểm soát".

Trả lời kênh Russia Today (Nga) về thông tin này, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DNR), ông Denis Pushilin bác bỏ báo cáo về "một vụ nổ mạnh trên lãnh thổ DNR".

Ông cho biết: "Có một chuyển động nhỏ, xảy ra trên lãnh thổ của họ" và khẳng định "tình hình DNR vẫn trong tầm kiểm soát".

Trong khi đó, Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, bà Valery Zaluzhny nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine "tuân thủ lệnh ngừng bắn, không có kế hoạch hoặc thực hiện bất kỳ cuộc pháo kích nào, kể cả về hướng Donetsk".

Nhà báo Donetsk Vladislav Ugolny viết trên Lenta.ru rằng ông chỉ biết về "vụ nổ" từ... những người bạn gọi từ Nga để tìm hiểu "điều gì đang xảy ra ở đó".

Ông nói: "Một người quen sống gần sân bay nói anh ta nghe thấy một tiếng nổ yếu ớt, ngay cả cửa sổ cũng không rung chuyển". 

Dân quân Donetsk, anh Alexander Zhuchkovsky cũng nói trên Lenta.ru rằng không nghe thấy tiếng nổ. "Có vẻ như không có gì đặc biệt xảy ra. Không có nhân chứng của bất cứ điều gì nghiêm trọng".

Thông tin về vụ nổ xuất hiện trong bối cảnh các tuyên bố về "sự xâm lược của Nga" ngày càng dồn dập.

Trang Politico trước đó đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố 16.2 là ngày "xảy ra cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine". 

Washington cảnh báo các đồng minh của mình rằng cuộc xâm lược được dẫn trước "bởi một loạt cuộc tấn công tên lửa và tấn công mạng".

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cáo buộc Washington và các đồng minh thực hiện một chiến dịch tuyên truyền khiêu khích về sự xâm lược của Nga mà theo ông là tạo cho Kiev một cái cớ để phá hoại các thỏa thuận Minsk và tìm kiếm một giải pháp quân sự cho vấn đề Donbass.

Ngay cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc trả lời báo giới hôm 12.2 cũng  lưu ý rằng có quá nhiều thông tin về chủ đề "cuộc xâm lược sắp diễn ra" từ phía Nga.

Ông Zelensky còn nói: "Nếu bạn hoặc bất cứ ai có bất kỳ thông tin bổ sung nào liên quan đến cuộc xâm lược 100% của Nga vào Ukraine từ ngày 16.2, hãy cung cấp cho chúng tôi!".

Ông cho biết nhận được khối lượng lớn thông tin của Ukraine lẫn của Mỹ và đồng minh, nhưng "cần cẩn thận phân tích tất cả những thông tin này... Và cho đến nay, một cuộc chiến tranh toàn diện vẫn chưa nổ ra trên Ukraine".

Khủng hoảng Ukraine: Giờ G 16-2 của Washington có đáng tin? - Ảnh 2.

Các thành viên thuộc phái đoàn giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu rời một khách sạn ở Donetsk ngày 13.2 - Ảnh: REUTERS

Ukraine yêu cầu họp khẩn

Có lẽ nỗi lo trước "giờ G" theo cảnh báo của Washington đã khiến Kiev ngày 13.2 yêu cầu một cuộc họp với Nga và tất cả các quốc gia thành viên "Văn kiện Vienna" trong vòng 48 giờ.

Theo tờ Kommersant của Nga, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói Kiev đang yêu cầu cuộc họp này để thảo luận về việc "Nga tăng cường và chuyển quân dọc biên giới với Ukraine và trên lãnh thổ Crimea".

Ngoại trưởng Kuleba tuyên bố: "Nếu Nga nghiêm túc về tính không thể phân chia của an ninh trong không gian OSCE, thì nước này phải thực hiện các nghĩa vụ minh bạch về quân sự để giảm căng thẳng và tăng cường an ninh cho tất cả các quốc gia tham gia".

Được biết, Văn kiện Vienna về các biện pháp xây dựng niềm tin và an ninh đã được các nước thành viên OSCE (bao gồm 57 quốc gia) thông qua vào năm 2011.

Phần III nêu rõ các bên ký kết sẽ "tham khảo ý kiến ​​và hợp tác với nhau về bất kỳ hoạt động bất thường và không có kế hoạch nào của lực lượng quân sự của họ bên ngoài các địa điểm bình thường trong thời bình" mà họ quan tâm. Tài liệu nêu rõ thời hạn trả lời là 48 giờ và đề cập đến khả năng triệu tập một cuộc họp đa phương.

Trong khi đó, tại các cộng hòa tự xưng ở đông Ukraine, DNR và LNR đã lan truyền thông tin về những mũi tấn công có thể của quân đội Ukraine.

Tờ Tin Tức (Nga) dẫn lời ông Ivan Filiponenko, đại diện chính thức của lực lượng dân quân LNR cho biết nếu Kiev quyết định mở một cuộc tấn công ở phía đông nam, đòn tấn công chính có thể rơi vào Svitlodarsk và Debaltsevo để chia cắt hai cộng hòa Donetsk và Lugansk.

Còn theo người đứng đầu DNR Denis Pushilin, hiện ở tuyến phân giới DNR có khoảng 150.000 quân Ukraine (hai tuần trước có 120.000 người). 

Filiponenko tin rằng "những khiêu khích từ Kiev trong tương lai gần là hoàn toàn có thể xảy ra" bằng "việc dàn dựng một vụ khủng bố và đổ tội cho quân ly khai".

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khủng hoảng Ukraine: "Giờ G" 16-2 của Washington có đáng tin?