Báo Hải Dương nhận được phản ánh của một số người dân thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong (Nam Sách) về những khuất tất trong làm đường giao thông tại địa phương.
Đường trục thôn Phù Liễn hoàn thành từ năm 2016 nhưng chưa thể quyết toán
Theo phản ánh, tháng 1.2016, thôn Phù Liễn hoàn thành đường trục thôn dài 262 m, rộng 7 m. Khi quyết toán, người dân phát hiện trong bảng kê các khoản thu-chi tiền làm đường do ông Nguyễn Hữu Chiếu, Trưởng thôn Phù Liễn lập có một số việc cần làm rõ. Đó là cùng thời điểm nhưng số khẩu Ban làm đường của thôn lập để thu tiền ít hơn 70 khẩu so với danh sách Công an xã cung cấp. Với số tiền thôn quy định là 350.000 đồng mỗi khẩu thì số tiền đã thu ít hơn trên 20 triệu đồng so với số tiền phải thu. Điều đáng nói là trong số 70 khẩu trên có 7 người nhà cán bộ thôn. Người dân cũng không đồng tình với một số khoản chi khác như chi trên 4 triệu đồng tiền công cho các cán bộ thôn, đoàn thể vận động giải phóng mặt bằng làm đường. Theo người dân, việc vận động làm đường là trách nhiệm của cán bộ thôn, đoàn thể nên không thể tính công và trả tiền.
Từng được người dân bầu vào Ban làm đường của thôn Phù Liễn, ông Phan Lạc Nghiệp cho biết thời gian đầu ông được phân công làm thủ quỹ nhưng về sau việc thu, chi do ông Chiếu trực tiếp làm. Ông Nghiệp và 2 người khác mà dân bầu chỉ giám sát việc thi công chứ không được biết việc thu - chi thế nào. Theo ông Nghiệp, do việc thu, chi không rõ ràng như trên mà số tiền thôn quy định thu thêm các khẩu để bù vào tiền làm đường bị âm không hợp lý. Ông Nghiệp tính toán, nếu việc thu, chi đúng thì mỗi khẩu trong thôn chỉ phải nộp thêm 40.000 đồng là đủ. Nhưng thôn quy định thu thêm mỗi người 150.000 đồng.
Cùng với thu, chi không rõ ràng, người dân còn phản ánh Ban làm đường thôn Phù Liễn đã sử dụng xi măng được hỗ trợ sai mục đích khi dùng khoảng 700 bao để xây tường bao chùa của thôn.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Chiếu giải thích việc có trên 70 khẩu không có trong danh sách thu tiền là do những hộ này có hộ khẩu nhưng không sinh sống tại thôn như đi nước ngoài, chuyển đến địa phương khác hoặc ly dị vợ, chồng mà chưa chuyển khẩu nên thôn không lập danh sách và không thu. Đối với khoản tiền trên 4 triệu đồng chi công cho các cán bộ thôn, đoàn thể vận động giải phóng mặt bằng làm đường, ông Chiếu cho biết khi người dân không nhất trí, Ban làm đường của thôn cũng đã cắt khoản chi này và thực tế là chưa trả công cho ai. Thừa nhận việc đưa xi măng ra chùa xây tường bao là sai, ông Chiếu giải thích do có cá nhân ủng hộ làm chùa của làng nên vì công việc chung, muốn hoàn thiện công trình nên các cán bộ thôn đã thống nhất dùng khoảng 300 bao xi măng làm đường thừa mang ra chùa để xây tường bao.
Ngoài nội dung trên, ông Nghiệp cùng 20 người dân, trong đó có một số đảng viên còn đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Chiếu và ông Nguyễn Văn Sanh, Bí thư Chi bộ thôn Phù Liễn liên quan đến việc thanh quyết toán thủy lợi phí, chỉnh trang đồng ruộng...
Theo ông Bùi Kim Lành, Bí thư Đảng ủy và ông Nguyễn Văn Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, hiện nay xã đã thành lập đoàn công tác, đang làm việc với những người liên quan để xác minh, làm rõ từng nội dung mà người dân phản ánh. Hai ông này cho biết hiện chưa thể khẳng định được việc người dân nêu là đúng hay sai mà phải chờ kết quả làm việc cụ thể với các bên mới có kết luận cuối cùng.
Vụ việc kéo dài từ năm 2016 đến nay không được chính quyền xã Hồng Phong giải quyết dứt điểm đã gây ảnh hưởng xấu đến phong trào làm đường tại địa phương. Từ việc tích cực hưởng ứng, ủng hộ, hiện nhiều người dân trong thôn tỏ ra nghi ngại, giảm niềm tin vào đội ngũ cán bộ. Thôn Phù Liễn hiện còn hơn 400 m đường giao thông nông thôn chưa thể nâng cấp, mở rộng. Hàng trăm bao xi măng để trong kho lâu ngày có nguy cơ không thể sử dụng. Những đoạn đường đã làm cũng chưa quyết toán xong vì người dân ngừng đóng góp.
HẠO NHIÊN