Y tế - Sức khỏe

Khuẩn Salmonella, E.coli là thủ phạm gây ngộ độc 568 người ở Đồng Nai

T.H (theo VnExpress) 07/05/2024 21:30

Kết quả xét nghiệm mẫu phẩm liên quan đến 568 người ở Đồng Nai ngộ độc sau ăn bánh mì, dương tính với khuẩn Salmonella, E.coli và một số vi khuẩn khác.

Các bác sĩ hội chẩn phương án điều trị cho bệnh nhi chuyển nặng tại BV Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn
Các bác sĩ hội chẩn phương án điều trị cho bệnh nhi chuyển nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Ngày 7/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Võ Thị Ngọc Lắm cho biết thông tin trên, trong đó đa số mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy tại tiệm bánh mì Băng (nơi bán) đều nhiễm vi khuẩn Salmonella. Một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli.

Ngoài ra, xét nghiệm cũng phát hiện một số loại vi khuẩn khác. Tuy nhiên hiện chưa rõ "một số vi khuẩn khác" là loại nào.

Hôm qua Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh công bố kết quả xét nghiệm một bệnh nhi ngộ độc được Đồng Nai chuyển đến cũng nhiễm khuẩn Salmonella. Ngày trước đó, 3 bệnh nhi nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được xác định nhiễm khuẩn E.coli.

Khuẩn Salmonella là thủ phạm hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Vào cơ thể người qua thức ăn uống, vi khuẩn Salmonella sinh độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, gây ra đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.

Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C). Khi mổ thịt gia súc, gia cầm, nếu không làm sạch sẽ, vi khuẩn Salmonella sẽ phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm. Ăn trứng sống, luộc trứng không kỹ, người dân cũng có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella. Rau và sữa cũng dễ nhiễm Salmonella phát tán từ phân động vật ra.

Còn E.coli là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống...

So với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau ăn, nhưng cũng có trường hợp sau 4-5 ngày.

Trước đó, hôm 3/5, cơ quan chức năng kiểm tra tiệm bánh mì Băng, niêm phong tủ cấp đông trong đó chứa khoảng 15 kg đồ chua, 1 kg thịt heo đã qua chế biến, 1 kg chả lụa, 4 khay pate trọng lượng 10 kg. Đồng thời họ lấy nhiều mẫu phẩm đưa đi xét nghiệm.

Chủ tiệm bánh mì Băng cho biết mua nguyên liệu, thực phẩm ở các cửa hàng nhỏ lẻ rồi về tự chế biến tại nhà. Trong đó pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Các nguyên liệu khác như chả lụa, thịt nguội, thịt heo... được mua từ nơi khác.

Tính đến hôm nay, số người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở TP Long Khánh tăng lên 568. Họ ăn bánh mì thịt mua tại tiệm Băng chiều 30/4, sau đó lần lượt nhập viện. Hiện hơn 200 bệnh nhân đã xuất viện, 119 trường hợp theo dõi tại nhà, 12 ca nặng phải chuyển viện, số khác vẫn đang điều trị.

Ca nặng nhất là bé trai 6 tuổi điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, hôn mê sâu, thở máy, lọc máu, vận mạch. Một trường hợp nặng khác là bệnh nhi 7 tuổi, điều trị Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện sức khỏe tiến triển hơn.

Sự việc có dấu hiệu hình sự nên cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ sang Công an TP Long Khánh thụ lý, điều tra.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khuẩn Salmonella, E.coli là thủ phạm gây ngộ độc 568 người ở Đồng Nai