Mặc dù các cấp, các ngành, địa phương liên quan của huyện Kinh Môn đã rất tích cực để GPMB nhưng đến nay vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ.
Khu vực một số hộ dân có đất ở chưa đồng ý giá bồi thường
Tích cực vào cuộc
Dự án Khu đô thị sinh thái Thành Công giai đoạn I có diện tích 35,92 ha, được UBND tỉnh giao tiến độ phải hoàn thành việc xây dựng hạ tầng xong trong năm 2019. Xác định đây là dự án trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình nâng cấp huyện trở thành thị xã, huyện Kinh Môn đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện GPMB cho dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Đảo, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kinh Môn, trong năm 2017, hội đồng đã kiểm kê, lập phương án bồi thường và phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Thành Công bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp và tài sản trên đất cho các hộ dân. Đến nay, đã có 647 hộ dân nhận tiền bồi thường với tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng. Còn 9 hộ gồm 3 hộ có đất lúa, 3 hộ có đất chuyển đổi trồng cây lâu năm, 3 hộ có mộ chưa nhận tiền bồi thường (hơn 1 tỷ đồng). Ngoài ra, tổ công tác của hội đồng đã kiểm kê và lập phương án bồi thường cho 1 hộ sản xuất, kinh doanh, 13 hộ có đất ở, 14 hộ có đất nông nghiệp nằm xen giáp đất ở trong phạm vi thu hồi thực hiện dự án. Cuối tháng 10.2017, Hội đồng bồi thường đã họp với người dân để công khai phương án đền bù cho các hộ này. Nhưng đến hết thời hạn công khai phương án các hộ này đều không ký vào biên bản và phương án bồi thường.
Nguyện vọng của người dân
Theo Hội đồng GPMB huyện Kinh Môn, mặc dù hội đồng và tổ công tác, đặc biệt là UBND xã Hiệp An đã tổ chức đến từng hộ để tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng các hộ có đất nông nghiệp vẫn chưa đồng ý. Các hộ có đất ở và đất nông nghiệp xen kẹp đều không ký hồ sơ vì cho rằng đơn giá bồi thường thấp và đòi công san lấp cải tạo từ đất thùng vũng thành đất trồng cây lâu năm.
Xã Hiệp An cũng xác nhận đất giao cho các hộ dân tại khu vực này trước đây hoàn toàn là thùng vũng và ao sâu. Các hộ đã san lấp, cải tạo và sử dụng từ khi giao đất đến nay, khu vực này hầu hết là đất xen kẹp với đất ở. Nhưng theo quy định của Nhà nước, đất 03 giao cho các hộ đã được tính tiền đất và các hỗ trợ khác có liên quan thì không được tính công đầu tư vào đất còn lại. Về đơn giá bồi thường đất ở, UBND huyện trình giá 11 triệu đồng/m2, các hộ đều cho rằng thấp nên không đồng ý. Đối với 1 hộ có đất sản xuất, kinh doanh, UBND huyện đã trình tỉnh cho phép tính hệ số 70% đối với phần tài sản trên phần đất dự án của hộ dân này với mức bồi thường dự kiến là 8 tỷ đồng nhưng hộ này vẫn không đồng ý.
Chị Nguyễn Thị Nhung (40 tuổi, ở thôn Lưu Thượng 2, xã Hiệp An) có đất ở phải thu hồi phục vụ dự án cho rằng giá đền bù 11 triệu đồng/m2 đất ở là thấp so với mặt bằng giá đất hiện nay ở xã. Chị Nhung cho biết chị và những hộ dân có đất ở sẵn sàng ủng hộ dự án nhưng các cấp chính quyền cũng cần quan tâm đến nguyện vọng của người dân.
Theo đại diện Công ty CP Tập đoàn Thành Công - chủ đầu tư Khu đô thị sinh thái Thành Công, đơn vị đang tập trung thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I của khu đô thị như san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, kè sông, cổng chào... với tổng khối lượng đạt khoảng 30%. Nếu tính cả tiền đền bù giải phóng mặt bằng, đến nay chủ đầu tư đã giải ngân cho khu đô thị này hơn 200 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Định, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Công cho biết khu vực còn vướng mắc GPMB có vị trí quan trọng bởi theo quy hoạch được phê duyệt, phía mặt quốc lộ 17 sẽ là mặt tiền và là điểm nhấn quan trọng nhất của dự án. Đây cũng gần như là cửa ngõ chính vào thị xã Kinh Môn trong tương lai. "Ở vị trí này, công ty phải đầu tư lớn nhưng hiệu quả thì rất thấp. Vì vậy, chúng tôi mong nhân dân địa phương ủng hộ dự án. Hội đồng GPMB huyện Kinh Môn quan tâm đẩy nhanh tiến độ GPMB để chúng tôi thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của UBND tỉnh", ông Lê Văn Định đề nghị.
VŨ ÚY