Không thể phủ nhận chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam

20/04/2023 09:21

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.


Các tổ chức tôn giáo tại Hải Dương luôn được tạo điều kiện hoạt động thuận lợi. Trong ảnh: Các giáo dân về dự Lễ Phục sinh tại nhà thờ Kẻ Sặt (Bình Giang). Ảnh: Nguyễn Thảo

Thế nhưng các thế lực phản động, thù địch vẫn luôn tìm mọi thủ đoạn để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, quy chụp những điều không có thật.

Thực tế ở Việt Nam từ khi Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng đã thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, tập hợp, đoàn kết các tôn giáo để xây dựng và phát triển đất nước. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 3.9.1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tuyên bố “tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”.

Từ tuyên bố đó, Nhà nước ta đã thể chế bằng các văn bản pháp luật, để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ và bảo đảm trên thực tế, trước hết được hiến định trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Các văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

Chính vì sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo mà đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng. Số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng. Nếu như từ năm 2003 về trước cả nước có 6 tôn giáo với 17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự; 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc thì đến năm 2022 đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được chính quyền công nhận, với trên 27 triệu tín đồ, trên 53.000 chức sắc, khoảng 148.000 chức việc và hơn 29.700 cơ sở thờ tự. Các chức sắc, chức việc của các tôn giáo có vai trò quan trọng trong tổ chức Giáo hội, là người được thụ hưởng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện tổ chức các sự kiện tôn giáo quốc tế như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK; lễ hội của Công giáo, Tin lành như: Đại hội đồng Giám mục Á châu; lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam; đối thoại “Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ VI”.

Tại Hải Dương, hiện nay có 3 tôn giáo có tư cách pháp nhân đang hoạt động là Phật giáo, Công giáo và Tin lành với hơn 1.000 cơ sở thờ tự và hơn 200.000 tín đồ. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, đồng hành cùng các tổ chức tôn giáo, tạo điều kiện để tín đồ các tôn giáo hoạt động, thực hiện tín ngưỡng của mình một cách thuận lợi và bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, thực tế cho thấy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được tôn trọng và ngày càng bảo đảm tốt hơn. Những thành tựu đó được nhân dân trong nước, tín đồ các tôn giáo và cộng đồng quốc tế ghi nhận, cho dù các thế lực thù địch có dùng các thủ đoạn, chiêu trò chống phá cũng không thể phủ nhận.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể phủ nhận chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam