Kỳ gặp mặt nguyên cán bộ chủ chốt các thời kỳ của xã X. lần này rôm rả hẳn khi bàn đến chuyện tách-nhập.
Nội dung trao đổi sôi nổi là vì xã X. cũng là một trong 38 xã của tỉnh không đủ 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và có thể sẽ phải sáp nhập.
Có đồng chí không tán thành thì thở dài ví von với câu chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”, vừa mất thời gian, vừa tốn công sức.
Đồng chí V., nguyên Bí thư Đảng ủy xã khẳng khái nói: “Xã mình nhỏ quá, nhất định phải sáp nhập chứ. Các đồng chí không thấy xã đã khó khăn, chậm phát triển nhiều năm rồi à?”.
Rồi đồng chí nguyên Bí thư nêu nhiều thuận lợi nếu xã rộng hơn, dân số đông hơn sẽ dễ huy động nhân dân xây dựng nông thôn mới, người dân đóng góp sẽ thấp hơn, đồng ruộng rộng hơn sẽ phát triển kinh tế thuận lợi... Chưa kể đến việc xã kế bên gần khu công nghiệp, có quốc lộ chạy qua, vậy là nguồn thu ngân sách, các dịch vụ đều phát triển hơn. Trong khi nguồn thu của xã ta bao năm nay chỉ trông vào nông nghiệp. Rồi điện, đường, trường, trạm… công trình nào cũng nhỏ, cũng còn thiếu thốn, nợ xây dựng cơ bản chưa có nguồn trả. Xã nhỏ khổ thế đấy.
Chưa đồng tình, mấy đồng chí khác nêu hàng loạt khó khăn về văn hóa, di tích, truyền thống lịch sử, đất đai, tập quán... dẫn đến khó có thể sáp nhập. Rộng hơn nữa, bàn về chuyện nhập các cơ quan, đơn vị, nhiều đồng chí phân tích về chuyện cạnh tranh, chạy chọt liên quan đến vị trí của từng cá nhân khi hợp nhất các chức danh. Ý kiến nào có vẻ cũng hợp lý.
Lúc này, đồng chí A., người có hơn 50năm tuổi Đảng, từ tốn nói việc tách-nhập là bình thường theo tình hình cụ thể của mỗi thời kỳ lịch sử. “Tôi nghĩ, chúng ta không thể ngại khó mà không làm. Cần bình tĩnh nghiên cứu kỹ, cùng đóng góp ý kiến, đồng thuận thực hiện những mô hình tổ chức, cán bộ mới mà Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn. Từ đó mới có cơ sở để rút kinh nghiệm, xây dựng những mô hình phù hợp cho giai đoạn hiện nay và cho tương lai. Cuộc sống, công nghệ đang vận động, tiến bộ từng ngày mà...”, đồng chí A. nói.
ĐỒNG CHÍ