Trải qua 65 năm, cùng với cả nước, ngành thống kê Hải Dương đã trởthành một đơn vị vững mạnh, có vai trò quan trọng trong cung cấp sốliệu, phục vụ việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Cục Thống kê Hải Dương nhận cờ thi đua xuất sắc do Chính phủ trao tặng
Cách đây 65 năm, ngày 6-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 61/SL quy định tổ chức, bộ máy của Bộ Quốc dân kinh tế, gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam. Ngày 6-5 hằng năm được lấy là ngày truyền thống của ngành thống kê Việt Nam. Trải qua 65 năm, cùng với cả nước, ngành thống kê Hải Dương đã trở thành một đơn vị vững mạnh, có vai trò quan trọng trong cung cấp số liệu, phục vụ việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Ngày đầu thành lập, ngành thống kê tỉnh có 9 cán bộ, nhân viên. Cơ sở vật chất thiếu thốn, chỗ làm việc thường xuyên phải thay đổi để tránh cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Những năm 60 của thế kỷ trước, thống kê nông nghiệp được chú trọng. Hình thức thu thập số liệu thống kê chủ yếu là điều tra toàn diện kết hợp sử dụng bản đồ và phỏng vấn từ cơ sở. Nội dung tập trung vào những chỉ tiêu nông nghiệp, canh tác, khai hoang, phục hoá, HTX, lao động, diện tích lúa, năng suất một số cây trồng. Đến những năm 1968-1975, công tác thống kê được mở rộng thêm nhiều ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, xây dựng cơ bản, tình hình thực hiện kế hoạch của Nhà nước. Tiến độ báo cáo dày dặn: báo cáo nhanh, báo cáo tháng, quý, 6 tháng. Bước đầu đã hình thành báo cáo phân tích thống kê. Từ năm 1975, số liệu thống kê bắt đầu được thông báo rộng rãi trên báo, đài địa phương. Đặc biệt, Niên giám Thống kê (1976-1980, 1976-1985) được biên soạn một cách hệ thống, bước đầu có phân tích thống kê chuyên đề, phân tích tổng hợp 3 năm, 5 năm. Giai đoạn 1986 - 1996, Pháp lệnh Kế toán và Thống kê được ban hành năm 1988, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Ngành thống kê có bước đổi mới mạnh mẽ trong việc thu thập và tổng hợp thông tin, phản ánh thực trạng tình hình kinh tế - xã hội. Việc triển khai, áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) thay thế bảng cân đối vật chất (MPS) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác thống kê. Từ năm 1997 đến nay, công tác bảo đảm thông tin và phân tích thống kê của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của Tổng cục Thống kê và phục vụ cấp uỷ, chính quyền địa phương. Hằng năm, ngành thống kê tỉnh đã cung cấp khối lượng thông tin khá lớn, bao gồm: hệ thống báo cáo thống kê định kỳ, tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, cả năm; các báo cáo kết quả điều tra thống kê; các tập số liệu, Niên giám Thống kê, Bản tin Thống kê, phân tích thống kê và các ấn phẩm khác. Đặc biệt, vào các năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, ngành thống kê đã kịp thời cung cấp các số liệu đánh giá được thực trạng tình hình kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ, làm cơ sở cho việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch trong nhiệm kỳ mới, góp phần đắc lực vào việc chuẩn bị tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Ngoài các cuộc điều tra chuyên môn thường xuyên, ngành thống kê đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành các cuộc tổng điều tra dân số vào năm 1989, 1999, 2009; tổng điều tra các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 1995, 2001, 2007; tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 1994, 2001, 2006 và đang chuẩn bị tổng điều tra năm 2011.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ngành đã có 3 đề tài cấp tỉnh được hoàn thành và có giá trị thực tiễn, trong đó có đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp” đang được triển khai áp dụng; hằng năm có từ 15 đến 20 chuyên đề phân tích thống kê được thực hiện. Cục Thống kê Hải Dương là một trong những đơn vị tích cực trong việc thực hiện “Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê”.
Hệ thống thống kê nhà nước từ tỉnh đến huyện, thành phố ngày càng được kiện toàn, đóng vai trò chủ đạo trong công tác thống kê ở địa phương. Hệ thống thống kê các sở, ngành, mạng lưới thống kê cơ sở cũng từng bước được tăng cường. Ngành thống kê luôn luôn chăm lo bồi dưỡng cho cán bộ thống kê để nâng cao trình độ lý luận và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 70% số cán bộ của ngành có trình độ đại học, cao đẳng, 28% có trình độ trung cấp. Phần lớn cán bộ thống kê xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp cũng được đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Trong các năm 2000 - 2010, trên 500 lượt cán bộ thống kê xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê; 100% số cán bộ được trang bị máy vi tính. Để việc cung cấp số liệu cho các ngành, đơn vị nhanh, thuận lợi, cục đã xây dựng và đưa website vào hoạt động.
Cán bộ Chi cục Thống kê huyện Kinh Môn chuẩn bị cho cuộc
Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn, thủy sản năm 2011
Ghi nhận những kết quả và thành tích đạt được, các năm 1981, 2006, ngành thống kê tỉnh được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, năm 1986 và 2010 được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt, năm 2010, ngành thống kê tỉnh được tặng Huân chương Lao động hạng nhì.
Thời gian tới, ngành thống kê Hải Dương tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê"; tập trung thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra nông thôn - nông nghiệp và thuỷ sản. Tiếp tục triển khai, thi hành Luật Thống kê, các hệ thống chỉ tiêu thống kê, các chế độ báo cáo và điều tra thống kê, bảo đảm tính thống nhất cao về phương pháp thống kê trên địa bàn. Bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ; tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê...
ĐÀO XUÂN THẾ- Cục trưởng Cục Thống kê Hải Dương