Góc nhìn

Không được mập mờ lãi suất cho vay

SONG TƯỜNG 08/04/2024 06:00

Các ngân hàng không công khai lãi suất cho vay bình quân trước ngày 10/4 sẽ bị xử lý nghiêm.

Công khai lãi suất cho vay bình quân được cho là giải pháp khả thi góp phần khơi thông dòng tín dụng (ảnh minh họa)
Công khai lãi suất cho vay bình quân được cho là giải pháp khả thi góp phần khơi thông dòng tín dụng (ảnh minh họa)

Nhà nước ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại công khai mặt bằng lãi suất cho vay trước ngày 10/4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải xử lý nghiêm và công khai theo quy định đối với bất kỳ ngân hàng nào không thực hiện.

Như vậy, chỉ trong ít ngày nữa, các ngân hàng sẽ phải công khai mặt bằng lãi suất cho vay, ít nhất là trên website. Bất kỳ người dân, doanh nghiệp nào cũng có thể truy cập để tham khảo mức lãi suất này. Câu hỏi đặt ra lúc này là việc công khai lãi suất sẽ tác động thế nào đến việc khơi thông tín dụng?

Thời gian qua, lãi suất cho vay cũng như huy động được đánh giá đang ở mức thấp, thậm chí thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, nếu quan sát chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, biên lợi nhuận đối với một số khoản vay vẫn nằm trong ngưỡng dao động từ 3-4%. Ngưỡng biên lợi nhuận này không có quá nhiều khác biệt so với giai đoạn bình thường của nền kinh tế Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung nhiều năm trước.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động, manh nha về một “cuộc đua” tăng lãi suất huy động trong bối cảnh giảm liên tục gần 1 năm qua. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân, doanh nghiệp. Bởi khi tăng lãi suất huy động, điều hiển nhiên sẽ khiến lãi suất cho vay tăng.

Các ngân hàng cần tìm ra lời giải cho "bài toán" thu hẹp biên lợi nhuận, duy trì mức lãi suất cho vay thấp. Và trước hết, lãi suất thấp phải được duy trì ổn định trong khoảng thời gian đủ dài. Bởi nếu mặt bằng lãi suất thấp chỉ tồn tại trong thời gian ngắn sẽ không thể giải quyết tình trạng tăng trưởng tín dụng âm thời gian qua, vì rất khó tác động rộng rãi đến tất cả các thành phần của nền kinh tế, mà chỉ tác động mang tính chất cục bộ. Như vậy, mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ khó có thể đạt kỳ vọng.

Hơn nữa, không ít thông tin phản ánh tình trạng vẫn còn người vay phải gánh lãi suất cao dù ngân hàng thông báo hạ lãi suất. Với những chính sách kích cầu tín dụng riêng, hầu hết các ngân hàng đều tung ra thị trường nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi. Do vậy, những khoản vay mới có lãi suất tương đối "dễ thở". Song với những khoản vay cũ, không ít khách hàng vẫn phải chịu mức lãi suất trên 10%/năm. Ngân hàng cần rà soát lại tất cả các khoản vay đang phải chịu mức lãi suất cao, từ đó có giải pháp hỗ trợ khách hàng phù hợp.

Với lãi suất cho vay thấp, việc các ngân hàng rốt ráo công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân được xem là giải pháp có tính khả thi trong khơi thông dòng tín dụng. Khi ngân hàng công khai lãi suất cho vay sẽ giúp người vay nhận thấy lãi suất danh nghĩa giảm và kỳ vọng lãi suất thực tế, nghĩa là được tính gộp từ lãi suất danh nghĩa và các loại thuế, phí liên quan cũng sẽ giảm theo.

Một yếu tố nữa cũng quan trọng không kém. Đó là khả năng hấp thụ vốn vay ngân hàng của người dân, doanh nghiệp. Sản xuất, kinh doanh nhiều thì nhu cầu vay vốn mới nhiều. Muốn như vậy, nền kinh tế chung cả nước cũng như riêng tại Hải Dương phải thực sự đang ở trong giai đoạn phục hồi. Thật đáng mừng là nền kinh tế cả nước cũng như Hải Dương đang thực sự phục hồi. Các cấp, ngành đã và đang thẳng thắn nhìn nhận vào những điểm nghẽn cản trở nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội để xây dựng các biện pháp tháo gỡ đúng và trúng, triển khai các công trình, dự án ưu tiên mang lại giá trị, lợi ích cho phát triển kinh tế-xã hội. Sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nhờ đó sẽ phát triển hơn hiện tại, kéo theo nhu cầu vay vốn tăng cao.

Song, cần lưu ý rằng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng cuối năm 2023 đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2022. Do vậy, để dòng tín dụng được khơi thông một cách hiệu quả nhất, cần một chiếc “kiềng 3 chân”: giảm lãi suất cho vay, duy trì lãi suất cho vay thấp trong thời gian đủ dài và quản trị rủi ro hiệu quả.

SONG TƯỜNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không được mập mờ lãi suất cho vay