Năm 2020, Bộ GDĐT sẽ không công bố đề minh hoạ nữa do kỳ thi THPT quốc gia sẽ cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: TTXVN
Giáo viên, học sinh có thể căn cứ vào đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ GDĐT ban hành ngày 6.12.2018 để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2020.
Theo lịch tuyển sinh hằng năm, vào thời điểm này, Bộ GDĐT đã công bố bộ đề thi minh hoạ các môn của kỳ thi THPT quốc gia. Chẳng hạn, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có 5 môn thi, bài thi, gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (gồm 3 môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (gồm 3 môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Trong số này, chỉ có môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn thi, bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Đề thi THPT quốc gia năm 2019 có nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, ngoài ra có một số nội dung ở chương trình lớp 11. Các câu hỏi trong đề tăng dần độ khó để bảo đảm tính phân hoá khi các trường xét tuyển vào đại học, học viện.
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức với hai mục đích: Dùng kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Để chuẩn bị tốt cho việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường có kế hoạch chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; xây dựng các phương án dự phòng để kịp thời xử lý các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức kỳ thi, hạn chế thấp nhất các hành vi gian lận trong kỳ thi.
Bộ GDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường lưu tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; chú trọng việc tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát kỳ thi.
Theo TTXVN