Không còn mái ấm

18/10/2014 14:09

Hạnh sinh ra trong một gia đình gia giáo, từ bé được mẹ dạy về bốn chữ: công, dung, ngôn, hạnh.



Lớn lên, Hạnh thích học thêu thùa, nấu nướng, cắm hoa và cứ nghĩ thế là mình đã chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân chu đáo. Hạnh nghĩ các cụ ta nói rất đúng, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ấy là nói về cái trách nhiệm trụ cột gánh vác gia đình, lo toan việc lớn của người đàn ông, đồng thời cũng đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái, giữ gìn và vun vén tổ ấm. Nhưng người tính không bằng trời tính. Hạnh lập gia đình với Huy, cứ tưởng sẽ được nhờ chồng, vậy mà ai ngờ sau này lại phải làm trụ cột gia đình. Công việc của Huy không được thuận lợi nên Hạnh buộc phải giỏi xoay xở kiếm tiền, đối nội đối ngoại để chèo chống gia đình. Có vợ giỏi giang tháo vát, Huy vừa mừng lại vừa lo. Là đàn ông mà kiếm ít tiền hơn vợ thể nào cũng có lúc chạnh lòng. Đấy là chưa kể việc Hạnh mải lo kiếm tiền nên nhiều khi bỏ bê nhà cửa, không chăm lo nuôi dạy, bảo ban con cái. Ra ngoài xã hội bươn chải một vài năm, quan niệm của Hạnh cũng thay đổi hoàn toàn. Hạnh nghĩ cứ có tiền là giải quyết được mọi việc nhưng Huy thì nghĩ khác. Sống trong một mái nhà mà hai vợ chồng hai quan niệm về hạnh phúc trái ngược nhau. Vợ chồng không đồng thuận, không tìm được tiếng nói chung nên đâu thể tránh được nhiều phen cãi vã, nhất là từ khi ngôi nhà mới khang trang được xây lên.

Trước đó, lấy nhau được hơn bốn năm mà hai người vẫn sống cảnh nhà thuê chật chội trong thành phố. Hạnh ao ước có một mái nhà riêng đến mức ngày nào cũng nói với chồng về điều đó. Ban đầu Hạnh vẽ ra một bức tranh quá đỗi yên bình. Hạnh thường bắt đầu mọi chuyện bằng câu: “Khi nào có nhà…”. Huy say sưa nghe và mường tượng ra trước mắt mình hình ảnh vợ hạnh phúc chọn mua từng chiếc rèm cửa, bộ ấm chén, những chậu hoa nhỏ xinh hay màu sơn tường mà vợ thích. Huy mong vợ có những giấc ngủ thảnh thơi sau giờ làm việc, mong có ngôi nhà rộng rãi để vợ bày biện cuộc sống theo ý thích. Cái ý nghĩ ấy giày vò tâm can Hạnh đến từng bữa ăn giấc ngủ. Đến mức nếu lỡ tay mua bán quá nhiều là Hạnh lại trách móc bản thân phung phí, cần phải thắt lưng buộc bụng hơn. Đêm nằm trong vòng tay chồng, Hạnh thở dài vì lãi ngân hàng xuống thấp, vài trăm triệu gửi tiết kiệm tiền lãi chẳng được là bao. Huy xót vợ nhiều nên càng cố gắng hơn.

Sự chờ đợi khiến Hạnh mệt nhoài qua mỗi lần chuyển nhà trọ, lang thang khắp nơi không tìm thấy một căn phòng ưng ý. Hạnh từng uất ức với thái độ săm soi của những người chủ nhà khó tính tận thu đến vài nghìn tiền vệ sinh hay tiết kiệm đến từng giọt nước. Cô đã nhiều lần thức đêm để thu dọn đồ đạc, thuê xe ba gác chở đồ đi nơi khác. Huy biết và anh hiểu tất cả những cảm giác hỗn độn ấy. Nhưng cách Hạnh chì chiết chồng là thằng đàn ông hèn không biết cách kiếm tiền để vợ con mình khổ cực thì Huy không thể nào chịu đựng được. Chưa khi nào vợ con thôi là nguồn động lực để Huy cố gắng hết mình. Nhưng không phải thứ gì muốn là có được ngay.

Hạnh bắt đầu buông lơi gia đình và lao vào kiếm tiền. Ngôi nhà mới rộng rãi, khang trang này được xây lên phần lớn nhờ vào tiền của Hạnh, nhưng dường như ngôi nhà đã không còn là mái ấm. Lúc cơm lành canh ngọt thì không sao nhưng hễ có chút chuyện xảy ra là Hạnh lại lôi việc mình đã vất vả thế nào để có được ngôi nhà. Hạnh trách chồng làm khổ đời mình, biến mình từ một công chức nhàn hạ thành con buôn đầu tắt mặt tối nhồi nhét toàn toan tính. Hạnh bắt đầu hay vịn vào cớ bận làm ăn để thoái thác công việc gia đình. Con học hành thế nào, ăn uống ra sao Hạnh còn không cần biết thì việc chồng nghĩ những gì đâu có đáng để Hạnh bận tâm. Hạnh không biết Huy cũng mệt mỏi thế nào khi vừa đi làm, vừa quán xuyến gia đình thay phần của vợ. Huy cô đơn trong ngôi nhà mới mà người vợ lúc nào cũng chỉ muốn chồng phải cảm thấy mình là kẻ hèn nhát và đang sống chịu ơn. Huy ước gì vợ sớm nhận ra hạnh phúc không nằm ở ngôi nhà hay vật chất tiện nghi mà nó nằm ở tình yêu thương và sự đồng lòng, cảm thông chia sẻ, thứ mà hình như nó đã rơi rớt đâu đó trong chặng đường mưu sinh vất vả. Đã có lúc Huy muốn thốt lên rằng: “Có thể vợ đã xây nhà rất tốt nhưng vợ ơi, giờ chỉ mình anh thì làm sao xây nên tổ ấm?”.

 BÙI QUANG DŨNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không còn mái ấm