Không có tuổi thơ

15/07/2014 09:46

Nhà bé Su Su (tên ở nhà của bé Linh) lúc nào cũng nhộn nhịp người ra vào mỗi tối. Đó là thầy giáo, cô giáo của bé.



Vì gia đình khá giả nên bố mẹ muốn Su Su phải học giỏi, giỏi mọi thứ ngoài những môn văn hóa. Lịch học của Su Su dày kín như lịch họp của giám đốc công ty. Sau một ngày học vất vả ở trường, tối đến Su Su phải học thêm âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật, múa, vi tính, Anh văn… Từ thứ hai đến thứ bảy, chẳng ngày nào Su Su được nghỉ ngơi buổi tối. Sau bữa cơm chiều vội vã, Su Su phải nhanh chân vào phòng học vì thầy, cô đang chờ. Việc giải trí như xem ti-vi, đọc sách, nghe nhạc,… giờ trở nên xa xỉ đối với Su Su. Cô bé chỉ biết học và học. Chủ nhật là ngày nghỉ ngơi, thay vì cha mẹ dẫn bé đi công viên, siêu thị, rạp chiếu phim… thì lại đưa bé đến thư viện để đọc sách. Việc học dày kín khiến Su Su trở nên căng thẳng, đọc thì có nhưng tiếp thu thì không. Chữ chạy đường chữ, Su Su nhìn bâng quơ mà không hiểu mình đã đọc những gì. Su Su rất thích mấy quyển truyện tranh trên kệ nhưng bố mẹ lại bắt xem những tác phẩm văn học kinh điển, khoa học kỹ thuật, địa lý, công nghệ thông tin…

Chính vì học quá nhiều nên Su Su hầu như không có thì giờ để vui chơi. 30 phút hiếm hoi của giờ ra chơi ở trường không đủ cho cô bé nô đùa. Su Su nhìn bạn bè hàng xóm chơi một cách thèm thuồng. Trước khoảng sân nơi Su Su ở, chiều nào bọn trẻ con cũng tụ họp để chơi nhảy dây, trốn tìm, đá bóng, đánh trận giả... Nhiều lần bọn bạn gọi Su Su xuống chơi nhưng bố mẹ không cho phép, thế là cô bé tiu nghỉu bỏ về phòng ôn bài chờ giáo viên tới. Tiếng bọn trẻ chơi đùa lảng vảng bên tai Su Su càng khiến cô bé phân tâm, không tập trung học tập. Thế là bé bị cô giáo phạt chép bài.

Nghỉ hè, trong khi bạn bè cùng lớp, bạn hàng xóm cùng bố mẹ đi du lịch, về quê hoặc đơn thuần ở nhà nghỉ ngơi thì Su Su phải tiếp tục học. Thành tích học sinh giỏi nhất khối năm học vừa qua không làm cho bố mẹ Su Su thỏa mãn, họ buộc cô bé phải học trước chương trình để đến khi khai giảng sẽ không bị ngỡ ngàng. Su Su xin bố mẹ cho mình được đi du lịch thư giãn thì bị mẹ mắng té tát: “Còn nhỏ không chịu lo tập trung học hành để rồi sau này hối hận. Ăn với chả chơi. Được gì hả?”. Su Su không dám nói thêm vì cô bé biết lời giáo huấn của mẹ đã là kết quả.

Chuyện chưa dừng lại ở đó, bố mẹ Su Su vốn là dân kinh doanh có tiếng trong thương trường nên chuyện con cái học giỏi là điều hết sức quan trọng. Trong những buổi mạn đàm bên lề hội nghị, họ hay đem con mình ra khoe khoang. Đứa nào học giỏi, đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, hay có năng khiếu thiên bẩm gì đó… là được đem ra khoe. Dần dần chuyện khoe con trở thành phong trào. Vì vậy mà bố mẹ bé Su Su ra sức bắt con học ngày đêm là để cho mình nở mày nở mặt.  “Con của ông (bà) kỳ này học hành ra sao?”, đó là câu mở đầu cho câu chuyện trong lúc giải lao. Nếu con của ai có học lực khá, trung bình hoặc yếu là xem như muối mặt. Bố mẹ của Su Su luôn tự hào vì con mình có nhiều thành tích cao trong học tập, nào là học sinh giỏi cấp thành phố, giải nhì cuộc thi văn hay chữ tốt, giải đồng đội cuộc thi múa của phường… Chính vì tự hào nên bố mẹ buộc Su Su phải học nhiều hơn thế nữa: “Con mà đạt điểm kém là bố mẹ xấu hổ với mọi người đấy!”.

Vì học quá nhiều nên cô bé ngày một xanh xao, nhợt nhạt, trông gầy đi thấy rõ. Mặc dù được tẩm bổ rất nhiều nhưng không thể nào làm cho Su Su khỏe mạnh với sức học gấp đôi, gấp ba những đứa trẻ bình thường. Thế là Su Su ngất xỉu, gục mặt trên cây đàn organ trong một buổi dạy nhạc. Bố mẹ hoảng hốt đưa Su Su vào bệnh viện. Bác sĩ đề nghị với bố mẹ nên giảm tải việc học của Su Su: “Cháu bé còn quá nhỏ, hãy để cho nó phát triển tự nhiên. Học quá sức có thể ảnh hưởng đến thần kinh sau này…”. Bố mẹ Su Su cảm ơn bác sĩ và hứa sẽ không cho con mình học hành quá sức. Thầy chủ nhiệm và các bạn đến thăm Su Su, cô bé mừng hớn hở: “Giờ con được nghỉ ngơi rồi, thích quá thầy ơi!”.

NGUYỄN HOÀNG DUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có tuổi thơ