Khống chế dịch tả lợn châu Phi

19/12/2019 09:57

Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn nên dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã được kiểm soát.


Hiện nay, ngành thú y tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện phun khử trùng, tiêu độc môi trường nhằm ngăn chặn nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Thành Chung

Đến ngày 17.12, xã Hiệp Cát (Nam Sách)-địa phương cuối cùng trong tỉnh đã đủ điều kiện công bố hết DTLCP do qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.

Bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn

Ngày 1.3.2019, bệnh DTLCP xuất hiện đầu tiên tại gia đình ông Hoàng Văn Chinh ở xóm Trại Mới, phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn). Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã phối hợp UBND thị xã Kinh Môn tổ chức các biện pháp bao vây ổ dịch và tiêu hủy 126 con lợn với trọng lượng gần 6,4 tấn. Đây là ổ DTLCP đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh dịch đã lan rộng tới tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố với 255 xã, phường, thị trấn. Lực lượng chức năng phải tiêu hủy 391.844 con lợn với tổng trọng lượng hơn 23.331 tấn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chăn nuôi của người dân. Ước tính tổng số tiền hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại và chi cho công tác phòng chống dịch bệnh lên đến hơn 900 tỷ đồng.

Chi cục Thú y tỉnh nhận định dịch bệnh xảy ra ở giai đoạn chuyển mùa, điều kiện thời tiết thất thường, độ ẩm cao làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Bệnh dịch xuất hiện chủ yếu ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư, không bảo đảm an toàn sinh học. Đây là bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, có sức đề kháng cao và lây lan nhanh. Hiện bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh.

DTLCP có thể lây lan qua nhiều con đường như thịt lợn tươi, thịt lợn đông lạnh, các sản phẩm chế biến từ thịt, qua con người, các phương tiện vận chuyển, nguồn nước, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi... Virus gây bệnh cũng có thể tồn tại trong nước sông, ao, hồ. Ngoài ra, bệnh lây lan qua ve hút máu, ruồi, muỗi, các loại bọ, chim, chuột, chó, mèo... Virus gây bệnh còn dễ lây lan qua quần áo, ủng... của công nhân, chủ trại, người vận chuyển lợn, khách tham quan nếu đi từ vùng dịch ra mà không áp dụng các biện pháp xử lý, khử trùng tiêu độc.

Chủ động triển khai nhiều biện pháp

Ngay từ khi chưa xuất hiện dịch trên địa bàn, UBND tỉnh đã giao Sở NNPTNT căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương ban hành Kế hoạch số 1767/SNN-KH-TY nhằm chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm và ứng phó DTLCP. Khi bệnh dịch xảy ra, tất cả các địa phương có dịch đã ban hành Kế hoạch ứng phó với DTLCP. Các cấp chính quyền đã thành lập Ban chỉ đạo với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong giám sát, phát hiện dịch bệnh, thống kê đàn lợn, khoanh vùng, khống chế ổ dịch bệnh... 

Toàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện công tác phòng chống DTLCP rất khẩn trương và quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh. Dù vậy, qua kiểm tra việc triển khai phòng chống dịch bệnh ở một số nơi còn thiếu đồng bộ, xử lý ổ dịch chưa làm theo đúng hướng dẫn, nhất là tiêu hủy, khử trùng ổ dịch. Công tác kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh lây lan chưa nghiêm túc... Dịch bệnh xảy ra lần đầu và trong thời gian dài nên việc bố trí nhân lực, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch chưa đáp ứng được yêu cầu… 

Để khống chế ổ dịch, các địa phương đã triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường nhằm tiêu diệt mầm DTLCP. Từ ngày 1.3 đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp hơn 90.000 lít hóa chất cho các xã, phường, thị trấn có dịch. Hiện nay, ngành thú y vẫn tiếp tục hướng dẫn cho các địa phương thực hiện phun khử trùng, tiêu độc môi trường ổ dịch, hố chôn lấp, khu vực chăn nuôi, khu vực giết mổ lợn khỏe mạnh, nơi công cộng, tại các điểm chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm... Chủ các trang trại chăn nuôi cũng chuẩn bị hóa chất để sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển. Ngành thú y hướng dẫn các địa phương thực hiện kiểm dịch vận chuyển các loại lợn, quản lý, kiểm soát giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn... 

Đến nay, dù DTLCP cơ bản đã được kiểm soát song nguy cơ dịch lây lan vẫn rất lớn. Để ngăn chặn DTLCP, ngành chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng bệnh, khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện triệt để biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn tái đàn, tăng đàn để bảo đảm nguồn cung, không có chủ trương tái đàn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã xuất hiện dịch.

KHÁNH HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khống chế dịch tả lợn châu Phi