<b>Làn sóng khởi nghiệp từ nông nghiệp đã và đang nở rộ tại Hải Dương. Khai thác thế mạnh riêng, các startup của tỉnh đang tìm kiếm cơ hội làm giàu từ chính mảnh đất trù phú của quê hương.</b><br>
Nhiều nông dân Kinh Môn đã chọn cây cam đường Canh để khởi nghiệp
Hải Dương được mệnh danh là vựa nông sản của phía Bắc, với nhiều đặc sản nổi tiếng như vải, ổi (Thanh Hà); hành, tỏi (Kinh Môn, Nam Sách); gà đồi (Chí Linh); rươi (Tứ Kỳ)... Đó còn chưa kể những vùng trồng cà rốt được nuôi dưỡng từ phù sa sông Thái Bình, sông Kinh Thầy luôn có chất lượng tốt. Gần đây, các vùng cây ăn quả đặc sản như cam đường canh ở Kinh Môn hay Thanh Miện cũng đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân…
Mỗi năm, các địa phương trong tỉnh gieo cấy khoảng 120.000 ha lúa và 30.000 ha rau màu. Các cánh đồng một vùng, một giống, một thời gian gieo cấy những giống lúa chất lượng như Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, TBR 22 ngày càng được nhân rộng. Hải Dương cũng là một trong số ít các tỉnh ở khu vực phía Bắc hằng năm duy trì được diện tích sản xuất rau vụ đông lớn. Nhiều vùng nuôi thủy sản thâm canh quy mô lớn, chất lượng cao đã được nông dân đầu tư bài bản.
"Nông nghiệp Hải Dương nhiều thế mạnh như vậy nên chẳng có lý do gì mà không chọn nông nghiệp để khởi nghiệp", anh Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc) khẳng định như vậy khi được hỏi vì sao anh chọn nghề này để khởi nghiệp. “Startup từ nông nghiệp phải chấp nhận một cuộc chơi may rủi với quá nhiều bất trắc về thời tiết, thị trường. Nhưng điều này không thể ngăn cản xu hướng chọn nông nghiệp để kinh doanh. Bởi nhìn nhận một cách khách quan, đồng đất Hải Dương đang cho những người khởi nghiệp nhiều cơ hội để thành công”, vị Giám đốc này cho biết thêm.
Chị Phạm Thị Bích, Giám đốc Công ty TNHH GreFamy khẳng định sản phẩm nông nghiệp đa dạng với điều kiện canh tác thuận lợi chính là cơ hội lớn để nhiều bạn trẻ của Hải Dương chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực này. Nông dân Hải Dương cũng là những người đi đầu trong trồng vụ đông sớm ở phía Bắc. Nhiều nông dân đã mạnh dạn trồng na, ổi trái vụ; nuôi cá giòn trên sông Thái Bình, Kinh Thầy… “Vì vậy nên anh Tăng Xuân Trường mới chọn sản xuất, chế biến rau, củ, quả vụ đông để kinh doanh. Anh Lê Văn Việt, người được mệnh danh là vua cá công nghệ cao đã chọn con cá rô phi để lập nghiệp”, chị Bích nói.
Mấy năm gần đây, xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, tỉnh luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020” đã đề ra những cơ chế hỗ trợ cho vùng sản xuất tập trung, sản xuất nông sản an toàn và ứng dụng công nghệ cao. Đây là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: "Một cơ chế mở để khuyến khích phát triển nông nghiệp sẽ tạo ra cơ hội lớn để khởi nghiệp từ nông nghiệp”.
Nắm bắt được lợi thế, không ít startup của Hải Dương đã có những dự án hay để phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp khả thi thì nhất thiết phải tính đến yếu tố đầu ra cho sản phẩm. Doanh nghiệp phải nắm bắt được xu hướng tiêu dùng trước khi lựa chọn cây, con phù hợp để sản xuất. Theo ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương, thị trường tiêu thụ là một trong những yếu tố quan trọng để các dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp thành công. Nếu chỉ quan tâm đến sản xuất, sản phẩm làm ra không bán được, lợi nhuận không có, dự án sẽ dần teo tóp và thất bại. Thậm chí, ngay cả khi có thị trường tiêu thụ trong tỉnh hay trong nước, chủ dự án còn phải tính đến yếu tố dài hạn hơn, đó là xuất khẩu để tăng giá trị cho nông sản.
Ngay từ khi khởi nghiệp, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt đã chọn rau vụ đông
là một trong những nông sản mạnh của tỉnh
Rõ ràng, sản xuất và tiêu thụ là hai mắt xích vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Anh Nguyễn Văn Viên ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi đã từng cho rằng trồng rau tốt thì thương lái sẽ tự tìm đến mua, nhưng không hẳn vậy. Rau tốt nhưng thị trường không cần và dư thừa thì sản phẩm làm ra khó bán. Tôi đã phải đổ bỏ cải bắp vì không tính toán trước nhu cầu của thị trường. Từ trái đắng đó nên mấy năm gần đây tôi rất chú trọng đến yếu tố đầu ra. Hiện nay, tôi ký hợp đồng tiêu thụ su lơ với Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt. Các loại rau khác tôi ký kết với các tiểu thương để bảo đảm luôn có đầu ra ổn định".
Để rộng đường tiêu thụ nông sản, ngoài quan tâm đến chất lượng sản phẩm cần xây dựng được chuỗi cung ứng. Hiện nay, các cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản sạch, an toàn phát triển mạnh tại TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và khu vực thị trấn các huyện. Đây là nguồn tiêu thụ nông sản không nhiều nhưng khá ổn định. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đưa vào sử dụng là cơ hội không thể bỏ qua để các doanh nghiệp đưa nông sản đến các khu đô thị lớn của Hà Nội và Hải Phòng (những vùng không có nhiều quỹ đất và lợi thế sản xuất nông nghiệp).
Việc xuất khẩu nông sản cũng là cơ hội lớn cho các dự án nông nghiệp của Hải Dương. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách) cho biết: “Nông sản nhiệt đới của Việt Nam được người tiêu dùng nhiều nước đánh giá cao. Tuy nhiên, muốn chinh phục được thị trường thế giới, các dự án nông nghiệp cần được làm bài bản, đáp ứng các tiêu chí mà người tiêu dùng ngoài nước yêu cầu. Mạnh dạn khởi nghiệp nhưng phải bài bản và tính đến yếu tố đầu ra ổn định, có giá trị gia tăng cao là điều cần thiết mà các nhà khởi nghiệp trẻ cần làm".
HẢI MINH