Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa chính thức khởi động "Dự án tạo thuận lợi thương mại" sáng 10.7 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink và các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
"Dự án đúng thời điểm"
Theo giới thiệu, đây là dự án do USAID tài trợ với tổng viện trợ là hơn 21,7 triệu USD, tương đương gần 495 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện trong 5 năm với mục tiêu tổng thể là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam đã có nhiều biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi.
Phó Thủ tướng cho hay, tới nay, hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia đã kết nối 13 bộ, ngành với 173 thủ tục hành chính được đưa lên hệ thống. Tổng cộng đã có gần 2,2 triệu bộ hồ sơ đã được xử lý trên hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia. Ngoài ra, hệ thống này cũng đã kết nối với 5 nước ASEAN, qua đó trao đổi dữ liệu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) điện tử với số lượng khoảng 90.000 C/O.
Phó Thủ tướng cũng thông tin, tới tháng 3 vừa qua, danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã giảm hơn 12.600 mặt hàng. Các bộ, ngành cũng triển khai nhiều giải pháp như áp dụng quản lý rủi ro, tăng cường hậu kiểm, chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan, tăng đối tượng được miễn kiểm tra,...
Những vấn đề trên theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là "những thành công bước đầu nhưng còn nhiều việc phải triển khai".
Bởi thế, dự án tạo thuận lợi thương mại vừa được khởi động được Phó Thủ tướng đánh giá là cần thiết, đúng thời điểm và đáp ứng mong đợi của Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, USAID và khu vực tư nhân để triển khai hiệu quả, bảo đảm mục tiêu dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: CTV/Vietnam+
Kêu gọi hợp tác thực chất từ doanh nghiệp
Nói cụ thể hơn, ông Claudio Dordi, Giám đốc dự án cho biết một trong những hợp phần của dự án là hỗ trợ các sáng kiến pháp lý và thể chế nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả hiệp định thương mại tự do.
Một vài hoạt động trong hợp phần có thể kể tới như: Ứng dụng công nghệ Blockchain trong kết nối trao đổi thông tin phục vụ triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và các đối tác khác.
Hợp phần khác đáng chú ý là tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương. Nội dung của trụ cột này là bảo đảm rằng, các chính sách và thủ tục tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam được thực hiện hiệu quả hơn thông qua tăng cường phối hợp, hợp tác và trao đổi thông tin.
Các hoạt động trong hợp phần này như: Đo lường tuân thủ trong hoạt động xuất nhập khẩu; Phân tích quy trình thủ tục tại các tỉnh được lựa chọn về quản lý rủi ro, kiểm tra chuyên ngành; Hỗ trợ áp dụng quy trình xử lý trước khi hàng đến với hàng hóa nhập khẩu;...
Theo ông Claudio Dordi, dự án cũng hướng tới việc nâng cao quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp. Các hoạt động được nêu lên như: Phát triển chương trình doanh nghiệp ưu tiên; Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính của cơ quan hải quan; Kết nối cộng đồng doanh nghiệp và khích lệ doanh nghiệp tham gia vào quá trình thực thi cam kết,...
Nói về dự án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cam kết ngành hải quan sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết để đồng hành với USAID, các chuyên gia để triển khai hiệu quả các hoạt động trên đúng tiến độ, định hướng.
"Chúng tôi cũng kêu gọi sự phối hợp tham gia tích cực của các bộ ngành, sự hợp tác trao đổi thường xuyên và thực chất từ cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động của dự án nói riên và lĩnh vực thương mại và hải quan nói chung," ông Thành nói.
XUÂN DŨNG (Vietnam+)